THỨ HAI, ngày 28/4/2025

Đưa tôm sinh thái về đúng giá trị thực

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nói đến con tôm sinh thái, hay cao cấp hơn là tôm hữu cơ là nói đến tôm sú, với các mô hình nuôi có tính đặc thù riêng, như: tôm – rừng, tôm – lúa, tôm quảng canh. Đây là mô hình nuôi tôm rất thân thiện môi trường, có tính bền vững cao, sản phẩm phù hợp với xu thế tiêu dùng xanh nên có giá trị và tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, do năng suất thấp và chưa có nhiều diện tích được chứng nhận nên thu nhập từ mô hình này hiện vẫn chưa cao.

Khác biệt và giá trị

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, cho rằng, dù hiện tại đa số người tiêu dùng các nước đã quen với con tôm thẻ nhưng con tôm sú vẫn có một vị trí và lợi thế cạnh tranh nhất định đối với ngành tôm Việt Nam trên thị trường, nhờ có lợi thế lớn về giá trị và sự khác biệt. Một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng và có tính quyết định đến hiệu quả nghề nuôi chính là kích cỡ tôm khi thu hoạch. Để bán được với giá cao, ngoài việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi đạt chuẩn quốc tế ra, kích cỡ tôm nhỏ nhất cũng phải vào cỡ 30 con/kg vì tôm sú càng lớn, giá bán càng cao. Do đó, tôm sú nuôi theo các mô hình: quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng là phù hợp và dễ đạt chuẩn quốc tế nhất, kể cả chuẩn tôm sinh thái/hữu cơ.

Còn ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, tôm chứng nhận sinh thái Naturland có giá cao hơn so với tôm không chứng nhận, từ 15-20%. Với phương thức nuôi tôm hoàn toàn thiên nhiên, nếu tổ chức sản xuất tốt, toàn bộ sản phẩm tôm rừng Cà Mau rất dễ được chứng nhận sinh thái. Điều này giúp giải quyết vấn đề các yêu cầu ngày càng cao của quốc tế đối với phương thức nuôi tôm thân thiện với môi trường, cùng với các lo ngại về an toàn thực phẩm, giúp sản phẩm nhận được giá cao hơn trên thị trường. Tương tự, các mô hình nuôi quảng canh khác như tôm – lúa, vừa qua, các doanh nghiệp lúa gạo đã phối hợp cùng doanh nghiệp ngành tôm thực hiện thành côngh và đạt chứng nhận hữu cơ cho cả 2 sản phẩm chính là lúa và tôm cũng tạo địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Tổng giám đốc Camimex Group kiêm Giám đốc Camimex Organic cho biết, ngay từ năm 2000, Camimex đã sớm nhận ra tiềm năng và giá trị cũng như xu thế thị trường về sản phẩm tôm sinh thái. Do đó, khi Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ cho tỉnh Cà Mau dự án xây dựng vùng tôm sinh thái tại huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, chúng tôi đã mạnh dạn tham gia ngay từ đầu và sau đó đã đạt được các chứng nhận tôm sinh thái của các tổ chức có uy tín, như: Naturlan, EU Organic, BIO Suise… Sản phẩm tôm sinh thái Cà Mau lần đầu tiên xuất khẩu vào Coop, chuỗi siêu thị lớn thứ 2 tại Thụy Sĩ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Công ty Camimex.

Lợi nhuận chưa tương xứng

Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam dẫn đầu về sản xuất tôm sinh thái/hữu cơ trên toàn cầu, nhưng ngày càng có nhiều nước tham gia sản xuất hơn. Trong khi đó, việc phát triển mô hình tôm sinh thái/hữu cơ của Việt Nam đến nay vẫn rất hạn chế chủ yếu là ở Cà Mau với 2 mô hình chủ lực là tôm – rừng và tôm – lúa, với các doanh nghiệp tham gia thực hiện và đạt chứng nhận, như: Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Camimex, Seanamico và Casep… Trong đó, quy mô vùng nuôi tôm hữu cơ đạt chứng nhận của Minh Phú là lớn nhất và hoàn thiện chuỗi giá trị tôm sinh thái thông qua mô hình Doanh nghiệp xã hội.

Tôm sú hữu cơ/sinh thái là loại hàng hóa đặc biệt được các doanh nghiệp và địa phương phát triển và đạt chứng nhận quốc tế đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, mặc dù xu thế tiêu dùng thế giới chuyển sang sử dụng tôm thẻ nhiều hơn nhờ lợi thế giá rẻ, nhưng do không còn nhiều nước nuôi tôm sú khiến nguồn cung cũng hạn chế, nên việc tiêu thụ tôm sú cũng rất ổn định so với tôm thẻ. Tuy nhiên, dù giá bán khá ổn định nhưng do năng suất tôm còn thấp, nên lợi nhuận chưa thực sự hấp dẫn người nuôi. Do đó, để phát triển nghề nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ một cách hiệu quả và bền vững vấn đề quan trọng là chúng ta phải có con giống tốt, lớn nhanh, thức ăn đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý.

Giải pháp để đạt giá trị thực

Nói về giải pháp xây dựng chuỗi tôm sú đạt chứng nhận, ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc ICAFIS nhận định,, tôm sú là đối tượng ít cạnh tranh hơn do hiện tại trên thế giới chỉ còn 6 quốc gia có nguồn tôm sú cung ứng cho thị trường là: Banladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines, nên thị trường tôm sú trong 20 năm qua luôn rất ổn định. Một lợi thế khác là tôm sú có thể nuôi đạt kích cỡ lớn, mùi vị giống tôm hùm nên thuộc sản phẩm dành cho thị trường cao cấp, nhưng lại rất phù hợp với mô hình nuôi trung bình thấp, như: quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng và sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng, nhất là một số thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Dubai, Singapore…

Tuy nhiên, do đặc điểm nghề nuôi tôm ở ĐBSCL chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nên khi xây dựng chuỗi liên kết, vấn đề quan trọng là làm sao nâng cao năng lực và vai trò của HTX/THT trong việc ký kết hợp đồng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn vật tư đầu vào; giảm các khâu trung gian từ đó tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm tôm nuôi; tăng cường thực hành nuôi theo chứng nhận, nâng cao năng lực và sự tham gia của thương lái. Đối với doanh nghiệp tham gia chuỗi, thường xuyên thông tin về các yêu cầu, tiêu chuẩn tôm nguyên liệu của từng thị trường nhập khẩu đến các HTX/THT và lựa chọn những HTX/THT đạt yêu cầu của doanh nghiệp để đầu tư. Riêng các cơ quan quản lý, nghiên cứu cần thực hiện nhiều hơn các đề tài, dự án giúp nâng cao năng suất và chất lượng tôm sú; các chương trình sản xuất tôm hữu cơ, sinh thái để các trại nuôi có thể chủ động hơn nữa về nguồn giống.

Còn theo TS. Hoàng Tùng – Đại học Tasmania, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ cần đánh giá hiệu quả thực tế để xây dựng chiến lược phát triển cụ thể; kế đến là định hướng chất lượng, xây dựng thương hiệu, cải thiện năng suất, hạ giá thành. Trong định hướng chiến lược phát triển cần cải thiện về năng suất, phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường, nhằm tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu của Việt Nam về nuôi tôm trên thế giới. Trên cơ sở đó, cần quan tâm chỉ số giá trị sản xuất hay lợi nhuận là phù hợp khả năng cân đối cung – cầu như thế nào, năng lực cạnh tranh ra sao để từ đó chọn ra giải pháp kỹ thuật và lộ trình thực hiện phù hợp.

An Xuyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!