T6, 15/03/2024 07:56

Đức – thị trường tiềm năng của thủy sản Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Đức trong năm 2023, đạt 187 triệu USD, giảm 31,5% so với năm 2022. Trong các thị trường ngoài khối EU, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 sau Na Uy và Trung Quốc.

Thị trường quan trọng

Theo thống kê của ITC, nhập khẩu thủy sản các loại của Đức năm 2023 đạt 6,36 tỷ USD, giảm 2,5% so với năm 2022. Ba Lan, Hà Lan và Na Uy là 3 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Đức với tỷ trọng chiếm 44,6% trong tổng trị giá nhập khẩu năm 2023. Trong năm 2023, Đức có xu hướng tăng nhập khẩu thủy sản từ các thị trường trong khối EU, trong khi giảm nhập khẩu từ nhiều thị trường ngoài khối như: Na Uy, Việt Nam, Nga, Mỹ…

Cá tra Việt Nam được ưa chuộng tại Đức. Ảnh: TTXVN

Các mặt hàng thủy sản Đức nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam gồm tôm đông lạnh (mã HS 030617), phi lê cá da trơn đông lạnh (mã HS 030462), tôm chế biến không đóng hộp kín (mã HS 160521), tôm chế biến hoặc bảo quản trong hộp kín (mã HS 160529)… Trong năm 2023, thị phần nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Đức giảm so với năm trước như: tôm các loại, mực các loại, trong khi thị phần của phi lê cá da trơn, cá ngừ, cá tuyết lại tăng.

Riêng về cá tra, năm 2023, Đức tiêu thụ 38 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 31% so với năm 2022. Giống như nhiều quốc gia khác, Đức chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm phile đông lạnh cá tra từ Việt Nam. Năm 2023, thị trường này có xu hướng tăng nhập nhiều hơn cá tra fillet đông lạnh với giá trị gần 37 triệu USD, tăng 34% so với năm 2022, chiếm 97% tỷ trọng. Kim ngạch xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng và cá tra đông lạnh sang Đức giảm gần lượt là 42% và 16% trong năm 2023.

Khai thác tiềm năng

Đức là thị trường tiềm năng đối với ngành thủy sản Việt Nam. Cho đến nay, tỷ trọng nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Đức chưa cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Đức được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Theo Trung tâm Thông tin nghề Cá của Đức (FIZ – Fisch-Informationszentrum e. V.), cá và hải sản là thực phẩm phổ biến ở Đức. Theo FIZ, năm 2023, tiêu thụ thủy sản của Đức ước tính đạt khoảng 5,1 tỷ euro, cao hơn so với mức chi tiêu 4,6 tỷ euro trước đại dịch Covid-19 vào năm 2019. Năm 2024, ngành bán lẻ dự kiến chi tiêu cho thủy sản tại Đức sẽ tăng hơn nữa.

Theo ước tính ban đầu của FIZ, mức tiêu thụ thủy sản bình quân (do hộ gia đình mua và tiêu dùng ngoài gia đình) đạt 13,7 kg/người vào năm 2023 (giảm so với mức ước tính đạt 14,4 kg/người vào năm 2022). Tiêu thụ thủy sản năm 2023 giảm do giá tăng mạnh, khiến các hộ gia đình phải giảm lượng tiêu thụ. Năm 2024, FIZ dự báo tiêu thụ thủy sản sẽ tăng nhẹ cả về lượng và doanh thu, với điều kiện giá bán lẻ và dịch vụ ăn uống tăng trưởng vừa phải. Tại Đức, loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục là cá minh thái Alaska, tiếp theo là cá hồi, cá ngừ và cá trích. Tôm cũng là một trong 5 mặt hàng thủy sản tiêu dùng phổ biến nhất ở Đức. Ở Đức, hầu hết các sản phẩm thủy sản thường được mua ở dạng đóng hộp hoặc đông lạnh.

Mặc dù các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng chưa lớn trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức, song theo Thương vụ Việt Nam tại Đức, thị trường nước này vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Một điểm lợi thế nữa của thị trường Đức đó là việc nước Đức có cộng đồng người Việt đông đảo, đang sinh sống, làm việc và kinh doanh. Có hệ thống phân phối sản phẩm châu Á, trong đó phần lớn có xuất xứ từ Việt Nam rộng khắp nước Đức, là các đầu mối tiêu thụ và trung chuyển tiềm năng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam không chỉ trong phạm vi nước Đức.

Thời gian qua Thương vụ Việt Nam tại Đức cũng như hệ thống Thương vụ Việt Nam tại châu Âu luôn coi trọng công tác xúc tiến thương mại, trong đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đưa các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường nước ngoài là nhiệm vụ trọng tâm.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!