Hai Thành cho biết, khi giả làm công nhân để tìm hiểu về lô hàng tôm tạp chất bị tịch thu, anh biết được sau khi lực lượng kiểm tra lập biên bản, số hàng trên được chở về trụ sở Công ty TNHH kinh doanh chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (trụ sở tại đường Lý Thường Kiệt, phường 6, TP.Cà Mau, gọi tắt Công ty Quốc Việt).
Đường đi của tôm tạp chất – Kỳ 1
Lô hàng của anh được “phù phép” và bán hoá giá rẻ bèo. Hai Thành khẳng định: “Thu mua tôm, tôi biết chỉ loại dạt là không có tạp chất. Trung bình mỗi ký hàng bị tịch thu có giá trị từ 180.000 – 200.000 đồng nhưng được chỉ bán với giá 40.000 – 50.000 đồng, chưa kể sản lượng hao hụt chẳng ai kiểm. Cuối cùng chủ trương của nhà nước chỉ phục vụ cho… lợi ích nhóm!”.
Kiểm tra số tôm nghi có tạp chất
Món quà nửa tỷ
Đầu năm 2013, Công an TP.Cà Mau tổ chức tổng kết cuối năm và đề ra phương hướng hoạt động, ông Ngô Văn Nga – Giám đốc Công ty Quốc Việt – đến dự, tuyên bố tặng công an thành phố này 500 triệu đồng vì có thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhiều đại biểu vỗ tay trước nghĩa cử ấy, tuy nhiên cũng không ít doanh nghiệp biết chuyện đã bĩu môi. Từ lâu, Quốc Việt là một trong hai đơn vị được chỉ định có chức năng xử lý tôm tạp chất bị tịch thu. Một doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau khẳng định: “Số tiền 500 triệu đồng mà ông Nga tặng Công an TP.Cà Mau chủ yếu thưởng công bắt nhiều tôm tạp chất, đó chỉ là phần nhỏ lợi nhuận của công ty nhờ mua hoá giá lô hàng của các đại lý bị tịch thu”. Một năm trước, Quốc Việt đã tặng Công an TP.Cà Mau 100 triệu đồng. Thời gian trên, công an thành phố này thu giữ ít tôm tạp chất. Năm 2012, theo báo cáo của Công an TP.Cà Mau đã tịch thu gần năm tấn tôm dạng này giao Quốc Việt xử lý. Điều lạ là công ty từng bị phát hiện có tôm tạp chất trong khuôn viên nhưng ông Nga đổ
hết lỗi cho đại lý và bất hợp tác với báo chí.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127 Cà Mau, năm 2012 các đơn vị tịch thu 16.729kg tôm tạp chất, bán được hơn 927 triệu đồng, tính bình quân chỉ bằng 1/3 so với giá tôm này trước đó. Tuy nhiên, số liệu trên chỉ là của ba đơn vị gồm Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, Quản lý thị trường tỉnh và Cảnh sát kinh tế tỉnh Cà Mau, chưa cập nhật số liệu bắt tôm tạp chất của công an chín huyện và thành phố thuộc tỉnh. Tại huyện vùng sâu vùng xa như Cái Nước, năm 2012 công an tịch thu được 5.008kg, bán 250 triệu đồng, bình quân chỉ 49.000 đồng/kg. Một đại lý cho biết, việc tịch thu và xử lý còn nhiều khuất tất. Chủ lô hàng tôm chứa tạp chất bỏ của chạy lấy người, chỉ còn lực lượng kiểm tra nên có dấu hiệu trục lợi. Anh T., chủ một vựa tôm từng bị bắt, cho biết: “Chỉ cần giảm trọng lượng lô hàng bị tịch thu và kích cỡ tôm, doanh nghiệp đã thu lợi hàng tỷ đồng mỗi tháng. Nếu không ăn chia với lực lượng kiểm tra, số tôm này sẽ được bán nơi khác”.
Quy định thực hiện nửa vời
Vì sao có sự bất hợp lý trên, chúng tôi đã liên hệ với một số cơ quan chức năng để tìm hiểu. Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thuỷ sản tỉnh Cà Mau cho biết, theo quy định hiện hành, tôm tạp chất bị tịch thu sẽ được đưa về hai đơn vị xử lý gồm: Công ty Quốc Việt và Nhà máy thủy sản tại Khu cảng cá TP.Cà Mau. Nhưng việc xử lý tôm sau khi bị tịch thu vẫn còn nhiều bất ổn. Tại Quyết định 2512/QĐ-BNN-QLCL năm 2010 của Bộ NN&PTNT, việc xử lý tôm tạp chất bị tịch thu được thực hiện với sự giám sát của các đơn vị: Chi cục Quản lý chất lượng, Thanh tra Sở NN & PTNT tỉnh và cơ quan chức năng tại địa phương. Tuy nhiên, các đơn vị có chức năng bắt tôm tạp chất còn lại trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều thực hiện không đúng qui định này. Đến khi tiêu hủy, trong quyết định cũng nêu rõ: “Cơ quan quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản tỉnh, thành phố phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT, cơ quan chức năng tại địa phương có trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình tiêu hủy hoặc xử lý lô tôm chứa tạp chất”.
Quy định là vậy nhưng việc triển khai thực hiện lại nửa vời. Một cán bộ thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đề nghị: “Ngoài việc bán cho hai cơ sở trên, một số đơn vị tịch thu hàng bán tràn lan, chúng tôi biết nhưng lực lượng yếu nên không đủ sức kiểm tra”. Nhiều ý kiến cho rằng cuộc chiến chống tôm tạp chất trên địa bàn tỉnh Cà Mau có biểu hiện trục lợi. Trong khi những lái tôm chỉ muốn lấy công làm lời vẫn chưa được xem xét thì toàn bộ lô hàng lại được “phù phép” bán với giá bèo.