(TSVN) – Ngày 1/12 vừa qua, chính phủ Ecuador đã tuyên bố chấm dứt trợ cấp dầu diesel cho các trang trại nuôi tôm lớn như một phần trong kế hoạch chuyển hướng đến các khu vực nghèo hơn, một yêu cầu chính của các nhóm bản địa đã tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực vào đầu năm nay.
Văn phòng báo chí của tổng thống Ecuador Guillermo Lasso cho biết, trợ cấp đã bị cắt đối với các trang trại có diện tích sản xuất hơn 30 ha bắt đầu từ ngày 2/12/2022. “Đó là một quyết định có đạo đức, có trách nhiệm và tập trung vào xã hội”, đồng thời nói thêm rằng chính phủ nước này tin chắc các khoản trợ cấp chỉ nên mang lại lợi ích cho người nghèo.
Quyết định này được đưa ra khi Tổng thống Guillermo Lasso thực hiện lời hứa với các nhóm bản địa vào hồi tháng 10 nhằm mục tiêu trợ cấp dầu thô, đang trên đà đạt mức 4 tỷ USD trong năm nay, cho các lĩnh vực cần nhất. Hơn nữa, với biện pháp mới, chính phủ dự kiến sẽ tiết kiệm được khoảng 160 triệu USD mỗi năm đầu tư vào các dịch vụ xã hội.
Trợ cấp dầu diesel cho các trang trại nuôi tôm chưa đến 30 ha vẫn sẽ được duy trì. Tuy nhiên, ông Jose Antonio Camposano, người đứng đầu Cơ quan Nuôi trồng thủy sản quốc gia của Ecuador (CNA), đã phản đối biện pháp này và cho biết nó sẽ ảnh hưởng đến 82% diện tích nuôi tôm quốc gia vào thời điểm giá tôm ở mức tồi tệ nhất.
Trang trại nuôi tôm tại Ecuador. Ảnh: Jose Madrid
Sau khi tăng nhẹ trong tuần trước, giá xuất xưởng đối với tôm thẻ chân trắng còn nguyên đầu, còn vỏ (HOSO) tiếp tục đi ngang trong tuần 48 (28/11 – 4/12). Giá tại trang trại đối với tôm HOSO ở Ecuador ở mức 4,4 USD/kg đối với tôm cỡ 20 – 30 con/kg; 3,40 USD/kg đối với tôm loại 30 – 40 con/kg; 3,15 USD/kg đối với loại 40 – 50 con/kg; 2,80 USD/kg đối với loại 50 – 60 con/kg; 2,50 USD/kg đối với loại 60 – 70 con/kg; và 2,20 USD/kg đối với loại 70 – 80 con/kg; 2 USD/kg đối với loại 80 – 100 con/kg; 1,80 USD/kg đối với loại 100 – 120 con/kg; và 1,60 USD/kg đối với loại 120 – 140 con/kg trong khoảng thời gian này.
CNA cho biết giá nhiên liệu dành cho sản xuất nuôi tôm hiện sẽ tăng lên 3,917 USD/gallon. Con số này tăng 209% so với mức 1,87 USD/gallon mà nông dân phải trả nhờ trợ cấp của chính phủ.
“Quyết định này được đưa ra vào thời điểm tồi tệ nhất và chưa được thảo luận trước đó. Nó chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sản xuất thêm 0,16 USD/pound, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của ngành và thậm chí khiến các nhà sản xuất có nguy cơ phá sản”, ông Camposano cho biết trong một cuộc họp báo.
Theo ông, ngành tôm còn phải gánh nhiều chi phí không tương xứng. Vấn đề mà cho đến nay chính phủ vẫn chưa giải quyết được. “Sản xuất tôm vốn đã khá đắt đỏ. Ngành này nộp thuế và đóng góp hàng trăm triệu USD nhưng người dân không được chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, tình trạng tương tự đối với cơ sở hạ tầng đường sá xuống cấp hoặc dịch vụ công kém hiệu quả. Ngành nuôi tôm của Ecuador phải tự trả “tiền túi” khoảng 80 triệu USD/năm để giúp đáp ứng nhu cầu của mình, điều mà chính phủ nên làm. Biện pháp này được công bố bất ngờ và không có quyết định nào giúp cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Composano nói.
Sau đó, ông đề cập rằng dự án điện khí hóa cho các trang trại nuôi tôm của đất nước chưa bao giờ là ưu tiên của chính phủ, và cho đến nay, vẫn chưa có tiến triển. “Chính phủ thậm chí còn buộc chúng tôi phải mua đậu tương địa phương đắt hơn 50% so với đậu tương nhập khẩu, khiến chúng tôi phải trả khoảng 15 triệu USD mỗi năm”, ông nói thêm.
Theo Ngân hàng Trung ương của Ecuador, tôm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Ecuador sau dầu mỏ, đạt doanh thu 5,68 tỷ USD tính đến tháng 9/2022.
Hải Phong
Theo Undercurrent News