Ecuador: Điểm sáng nuôi tôm đạt chuẩn ASC

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mới đây, Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) của Bắc Mỹ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về tôm từ ngày 12 – 13/7 tại Guayaquil, Ecuador. Đây là địa điểm đầu tiên diễn ra sự kiện quan trọng này của ASC; bởi Ecuador nuôi tôm quảng canh, mật độ thấp, không sử dụng kháng sinh và sản phẩm tôm chất lượng cao, an toàn trong quá trình sản xuất, tôm được chứng nhận cũng như dán nhãn ASC.

Nói không với kháng sinh

Peter Redmond, Giám đốc Phát triển Thị trường Cấp cao của ASC cho biết, “Hội nghị thượng đỉnh về tôm ASC” tạo tiền đề cho các cuộc họp tiếp theo của tổ chức này về lĩnh vực NTTS trong tương lai, cùng hướng đến mục tiêu hợp tác chặt chẽ, đồng thời liên tục cải thiện chất lượng sản phẩm và phương thức sản xuất. Ecuador nuôi tôm theo tiêu chuẩn cao và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng tôm tại quốc gia này đều nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hành sản xuất tôm bền vững.

Tiêu chuẩn tôm toàn cầu của ASC yêu cầu tất cả các sản phẩm tôm dán nhãn ASC phải tuyệt đối không chứa kháng sinh. Trong khi đó, ngành tôm Ecuador cũng bắt đầu thực hiện những chiến lược cắt giảm kháng sinh trong nuôi tôm có trách nhiệm nhằm bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của đất nước. Động lực thúc đẩy sự thay đổi này là hướng đến một thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn với các phương thức thực hành nuôi tôm an toàn, minh bạch và sản phẩm chất lượng hơn. Muốn làm được điều đó, ngành tôm Ecuador đã kêu gọi sự nỗ lực của nhiều bên liên quan, đặc biệt là quá trình hợp tác lâu dài và liên tục giữa ASC với Tổ chức Đối tác Tôm Bền vững (SSP). Trước đó, vào năm 2018, bảy công ty ở Ecuador công bố thành lập SSP, nhằm nâng cao danh tiếng của Ecuador trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm tôm an toàn và bền vững. SSP cấp chứng chỉ cho những nông dân nuôi tôm bổ sung thêm vào chứng nhận của ASC với các quy định về chất lượng nước, truy xuất nguồn gốc và kháng sinh. Chẳng hạn, chứng chỉ tăng cường mới bao gồm việc cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm.

Hội nghị thượng đỉnh về tôm từ ngày 12 – 13/7 tại Guayaquil, Ecuador. Ảnh: ASC-AQUA

Pamela Nath, Giám đốc SSP cho biết: “Ecuador luôn duy trì phát triển một ngành công nghiệp NTTS đổi mới và không ngừng điều chỉnh các quy trình của mình cho phù hợp với xu hướng và yêu cầu của thị trường. Nhờ bề dày kinh nghiệm trong nuôi tôm và các giải pháp chăm sóc vật nuôi toàn diện trong từng giai đoạn của chu kỳ sản xuất, cùng với các điều kiện độc đáo do hệ sinh thái tự nhiên nên tôm của Ecuador đạt chất lượng và độ an toàn cao. Cùng với ASC, các hãng sản xuất tôm tại Ecuador cũng cam kết cải thiện khả năng tiếp cận sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng và người tiêu dùng”.

Năm 2018, Ecuador là nước xuất khẩu tôm lớn thứ 5 trên thế giới, sau Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Nhưng đến năm 2021, Ecuador đã dẫn đầu thế giới về giá trị xuất khẩu tôm và liên tục tăng công suất chế biến sản phẩm giá trị gia tăng. Karina Amaluisa, Ủy viên thương mại tại Văn phòng Thương mại New York của Ecuador cho biết, các sản phẩm tôm của Ecuador chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt với tôm Ấn Độ và các nước châu Á khác về giá bán. Do đó, SSP muốn tạo một sản phẩm tôm Ecuador hoàn toàn khác biệt với phần còn lại của thế giới.  Amaluisa cho biết: “Các đối thủ cạnh tranh từ châu Á, chủ yếu là Ấn Độ, chào bán sản phẩm chỉ rẻ hơn một chút, nhưng chất lượng không bằng tôm của Ecuador trong khi đó các thành viên của SSP phải cam kết đạt được tiêu chuẩn ASC và đang tìm cách thúc đẩy chứng nhận này. Rất nhiều công ty tôm Ecuador từ năm 2018 đã thực hiện các đổi mới liên quan đến truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, loại bỏ kháng sinh để mang lại cho chúng tôi lợi thế cạnh tranh”. Sau khi sụt giảm mạnh xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Trung Quốc trong năm 2020 do COVID-19, Ecuador bắt đầu thay đổi mô hình xuất khẩu truyền thống và áp dụng chiến lược 30/30/30 chia đều cho 3 thị trường Mỹ, châu Á và châu Âu.

Tạo cơ hội cho trại nuôi nhỏ

Ngoài các tiêu chuẩn của mình, SSP cũng duy trì tổ chức hội nghị bàn tròn về nuôi tôm bền vững và giới thiệu các chương trình nâng cấp các trang trại nhỏ và vừa ở Ecuador. Từ tháng 8 năm ngoái, SSP đã tạo điều kiện cho hơn 20 trại nuôi tôm quy mô nhỏ tại Ecuador đã tham gia chương trình đánh giá của ASC. Thông thường, quy trình đánh giá này nằm ngoài khả năng tài chính của các hộ nông dân nhỏ lẻ, do chi phí thực hiện các tiêu chuẩn và đào tạo cần thiết để chuẩn bị cho quá trình đánh giá tương đối cao. Tuy nhiên, SSP và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã giới thiệu 22 trại nuôi nhỏ tham gia chương trình cải tiến SSP mới nhất, nhằm mục tiêu đạt được các yêu cầu về môi trường và xã hội theo tiêu chuẩn của ASC. Đây cũng là chương trình đồng tài trợ bởi tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và WWF.

Ngành tôm Ecuador đã kêu gọi sự nỗ lực của nhiều bên liên quan, đặc biệt là quá trình hợp tác lâu dài và liên tục giữa ASC với SSP. Ảnh: Undercurrent News

Chương trình cải tiến các trại nuôi tôm được bắt đầu bằng cách đánh giá hiệu quả hoạt động của trang trại, dựa trên một số chỉ tiêu môi trường và xã hội; nhằm xác định hiệu suất hiện tại, từ đó xác định cơ hội cải tiến trang trại. Nông dân nuôi tôm cũng được tham gia các khóa đào tạo về quy định môi trường và luật pháp của Ecuador, thực hành NTTS tốt và những yêu cầu để được chứng nhận ASC. Sau khóa đào tạo, nông dân nhận được các đánh giá sơ bộ trong suốt chương trình để kịp thời áp dụng các phương thức cải tiến trại nuôi theo khuyến nghị. Cũng trong chương trình này, cả 22 trại nuôi tôm nhỏ lẻ đều nhận được các đánh giá về đa dạng sinh học và tác động xã hội để sớm điều chỉnh kịp thời, nhằm đạt tiêu chuẩn ASC.

Pamela Nath, Giám đốc SSP cho biết, mục tiêu của chương trình nói trên nhằm cải thiện tính bền vững cho các trang trại nuôi tôm, giúp các trại nuôi nhỏ lẻ nâng cao hiệu quả sản xuất và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Những nông dân nhỏ lẻ không phải lúc nào cũng có cơ hội và nguồn lực tài chính để tiếp cận các khóa đào tạo, cũng như đáp ứng được các yêu cầu nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng thông qua các chương trình như trên, họ hoàn toàn có khả năng nuôi tôm theo chuẩn ASC. José Antonio Camposano, Giám đốc Phòng NTTS quốc gia Ecuador nhận xét, SSP đã thực hiện thành công dự án hỗ trợ người nuôi tôm nhỏ lẻ tiếp cận chứng nhận ASC dễ dàng hơn, đồng thời giúp Ecuador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc tôm nuôi.

>> Ecuador đang dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu TTCT Thái Bình Dương. Năm 2021, quốc gia này sản xuất hơn 2,267 triệu pound và xuất khẩu khoảng 1,855 triệu pound, tương đương gần 5,078 triệu USD. Trong đó, khoảng 406 triệu pound đã được xuất khẩu sang Mỹ, tăng 56% so năm 2020.

Dũng Nguyên

Theo ASC, Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!