(TSVN) – Chính phủ Ecuador sẽ hỗ trợ tài chính để phủ kín điện lưới cho các trại sản xuất tôm trên cả nước. Đây là một tin vui đối với các trại nuôi tôm tại quốc gia này, đặc biệt sau khi trợ cấp dầu diesel chấm dứt.
Chính phủ Ecuador tuyên bố sẽ mở rộng hệ thống điện lưới đến các vùng sản xuất tôm ở Esmeraldas, Manabí, Guayas, El Oro và Santa Elena. Gần 55.000 ha nuôi tôm tại những khu vực này sẽ được điện khí hóa. Quyết định này nằm trong thỏa thuận giữa Bộ kinh tế Ecuador và Ngân hàng phát triển châu Mỹ Latinh (CAF) được ký kết ở Tây Ban Nha. Chủ tịch CAF, ông Sergio Diaz Granados cũng đã phê duyệt khoản hỗ trợ 200 triệu USD cho dự án điện khí hóa ngành tôm nuôi của Ecuador.
Industrial Pesquera Santa Priscila ở Ecuador, một trong những trại nuôi tôm lớn nhất thế giới. Ảnh: Santa Priscila
Dự án điện khí hóa ngành tôm được công bố chính thức vào tháng 7/2019 dưới thời tổng thống Lenin Moreno. Tuy nhiên, hơn 4 năm sau, dự án này mới được khơi thông nguồn vốn. Tổng thống đương nhiệm Ecuador, ông Guillermo Lasso đã tuyên bố điện khí hóa ngành tôm sẽ là dự án trọng điểm trong năm 2023 và là một trong những cam kết của chính phủ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho ngành tôm sau khi chấm dứt chính sách trợ cấp dầu diesel.
Jose Antonio Camposano, Chủ tịch Phòng Nuôi trồng Thủy sản quốc gia Ecuador (NCA), điện khí hóa là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển ngành tôm, nhưng cần phải kết hợp nhiều biện pháp khác. Theo ông, điện khí hóa ngành tôm nuôi giúp giảm khí thải nhà kính và các chất ô nhiễm độc hại. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi này còn thúc đẩy bảo tồn hệ sinh thái thủy sản, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tiết kiệm dài hạn. Mặt khác, điện khí hóa đưa ngành tôm tiến gần hơn các tiêu chuẩn bền vững quốc tế, bảo tồn tài nguyên nước và thúc đẩy cải tiến, mở đường bền vững trong tương lai cùng lợi nhuận ổn định.
CNA cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để hiện thực hóa mục tiêu điện khí hóa ngành tôm. Ông Jose Antonio Camposano giải thích, ứng dụng năng lượng sạch vào sản xuất tôm không chỉ là chiến lược kinh tế, mà còn là cam kết phát triển bền vững. Chính phủ Ecuador khẳng định cam kết bền vững chính là tầm nhìn tương lai của ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó các hoạt động thân thiện môi trường được đặt lên hàng đầu. Thông qua giải pháp ứng dụng năng lượng sạch, ngành tôm Ecuador không chỉ hưởng lợi ích kinh tế, mà còn nhận được sự tin tưởng của thị trường toàn cầu cũng đang ngày càng đề cao tính bền vững.
Đan Linh
(Theo Seafoodnews)