EEUV-FTA: Trải thảm đỏ cho xuất khẩu thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau khi Việt Nam tham gia FTA với Liên minh Kinh tế Á – Âu, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi 90% dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0%.

Lợi nhất là thủy sản

Sau hơn hai năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEUV-FTA) đã chính thức được ký kết. Theo đó, 90% dòng thuế của hai bên sẽ được tự do hóa khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương, trong đó những mặt hàng như nông sản, dệt may, da dày, đồ gỗ, thủy sản… được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Cụ thể với mặt hàng thủy sản, phía Liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng và số lượng không hạn chế. Về phần mình, phía Việt Nam cũng đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh này đối với một số sản phẩm chăn nuôi, hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải… Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), các mặt hàng này sẽ góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.

Chế biến tôm xuất khẩu – Ảnh: Vũ Mưa

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 1/6 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, ngành có lợi thế nhất khi tham gia Hiệp định này là nông thủy sản, dệt may và da giày. Thủy sản và chế biến giảm thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Ngành da giày cũng hưởng thuế suất 0%. Dệt may có một số nhóm hàng cũng giảm thuế 0%, còn một số khác thì sẽ giảm theo lộ trình 3, 5 và 10 năm.

 

Kỳ vọng của doanh nghiệp

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương cho biết, sau Mỹ, Nga là thị trường lớn thứ hai của Hùng Vương, song thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao. Việc dỡ bỏ các loại thuế khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu có hiệu lực sẽ là điều kiện thuận lợi cho sản phẩm của Công ty vào thị trường này. Ngay từ lúc này, Hùng Vương đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 30 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến và kho lạnh tại đây.

Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng hạn, đối với mặt hàng thủy sản, ngoài lợi thế có thêm thị trường tiêu thụ thì điều các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trăn trở là làm thế nào để bảo quản sản phẩm tốt khi khoảng cách địa lý giữa hai khu vực khá lớn.

Đại diện Bộ Công thương cho hay, hiện rất nhiều mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam được các nước ưa chuộng nhưng chưa xuất khẩu sang được vì công nghệ bảo quản còn hạn chế. Để khắc phục điều này, nhiều doanh nghiệp có ý tưởng thành lập kho ngoại quan đặt ở các nước thuộc liên minh, bước đầu là ở Nga.

Một số chuyên gia nhận định, ý tưởng thành lập kho ngoại quan là giải pháp hay bởi các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam sẽ thuận lợi hơn nhiều khi vận chuyển hàng sang nước bạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần chú ý thêm các yêu cầu về đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin hàng hóa. Bên cạnh đó, cũng phải tìm hiểu kỹ ngôn ngữ, văn hóa để chọn được đối tác đáng tin cậy… Đồng thời, cần khuyến nghị với Nhà nước có thêm cơ chế thanh toán bằng đồng tiền Nga, bởi xuất khẩu hiện nay chủ yếu vẫn thanh toán bằng đô la Mỹ.

>> Liên minh Kinh tế Á – Âu gồm 5 nước là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan có diện tích 20 triệu km2 (chiếm 15% diện tích thế giới) với dân số khoảng 183 triệu người.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!