T3, 09/11/2021 10:01

Chiến lược nuôi biển: Quyết sách mạnh mẽ

(TSVN) – Thế kỷ 21 được gọi là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Khai thác biển đã trở thành vấn đề quan trọng mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Do đó, việc Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã mở ra một thời kỳ mới trong việc bảo vệ và nuôi thủy sản trên biển theo hướng hiện đại.

(TSVN) – Thế kỷ 21 được gọi là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Khai thác biển đã trở thành vấn đề quan trọng mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Do đó, việc Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã mở ra một thời kỳ mới trong việc bảo vệ và nuôi thủy sản trên biển theo hướng hiện đại.

Việt Nam đứng thứ 27 về chiều dài bờ biển trong số 157 quốc gia ven biển, đảo quốc trên thế giới. Nước ta có 48 vũng vịnh biển với tổng diện tích khoảng 4.000 km2, phân bố từ Bắc vào Nam, trong đó vùng Nam Trung bộ có nhiều nhất (31 vũng, vịnh), chiếm 64,6% tổng số vũng vịnh cả nước, không chỉ có thể phát triển nuôi biển mà còn là các “căn cứ” hậu cần cho nuôi biển rất thuận lợi.

Biển Việt Nam có hơn 2.000 loài cá, trong đó khoảng 130 loài có giá trị kinh tế; trữ lượng cá biển của toàn vùng khoảng 4,2 triệu tấn; 1.600 loài giáp xác, sản lượng cho phép khai thác 50.000 – 60.000 tấn/năm, trong đó hải sản có giá trị cao là tôm biển, tôm hùm, tôm mũ ni, cua, ghẹ; khoảng 2.500 loài động vật thân mềm, trong đó các loài có giá trị kinh tế cao nhất là mực và bạch tuộc (cho phép khai thác 60.000 – 70.000 tấn/năm)…

Lâu nay, phần lớn sản phẩm xuất khẩu từ biển là do đánh bắt, nếu nuôi trồng tốt, chắc chắn biển Việt Nam sẽ cung ứng sản phẩm dồi dào cho thị trường thế giới, giúp đa dạng sản phẩm, cung cấp dinh dưỡng chất lượng cho người tiêu dùng, đồng thời tạo ra công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho ngư dân.

Những ngày gần đây, Quốc hội cũng đã tổ chức thảo luận cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế là các địa phương cần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong thời gian tới. Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cần đề cao tầm nhìn hướng ra biển của các địa phương có “mặt tiền” là biển cả và đại dương. Cần cụ thể hóa các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế biển nói chung và nuôi trồng biển nói riêng cho các vùng, địa phương.

Để có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh từ nuôi biển, Chính phủ đã có nhiều chủ trương đầu tư phát triển như: Nghị quyết 36/NQ-TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045; Nghị quyết 26/NQ-CP năm 2020 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW; Nghị định 11/2021/NÐ-CP ngày 10/2/2021 về giao khu vực biển cho tổ chức cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển; Quyết định 339/QÐ-TTg ngày 11/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đặc biệt là Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 mới được phê duyệt, đã hướng tới mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc; giá trị kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 0,8 – 1 tỷ USD.

Thống kê cho thấy, hiện có từ 70 – 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa. Thậm chí không ít nơi, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển. Chưa kể việc nuôi trồng thủy hải sản ven bờ cũng ảnh hưởng đến môi trường ven biển.

Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), các khu bảo tồn biển ở Việt Nam chỉ dành 1% diện tích bảo vệ nghiêm ngặt, trong khi quy định của thế giới là 30%. Tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn diễn ra, cùng với ô nhiễm môi trường biển đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển. Đáng lo ngại là một số khu bảo tồn biển đang là “điểm nóng” do sự phát triển của các cơ sở du lịch thiếu bền vững. Đặc biệt, các hoạt động du lịch trong các khu bảo tồn biển tăng nhanh trong những năm gần đây đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa sự đa dạng sinh học. Thực tế, rất nhiều diện tích ven biển hiện nay đã thuộc các dự án bất động sản, du lịch, thậm chí công nghiệp. Ngành nuôi biển chỉ có thể phát triển được khi có hạ tầng cơ sở tốt nhất, với diện tích khai thác là các cửa sông, vịnh, bờ biển, các đảo, quần đảo.

Bên cạnh đó, mặc dù có hơn 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, nhưng diện tích nuôi biển của nước ta đến nay chưa đạt tới 300.000 ha, mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích NTTS cả nước (1.140.000 ha theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Trong đó, nhiều nơi việc nuôi biển ở gần bờ còn tự phát, số lồng nuôi quá dày dẫn tới ô nhiễm.

Sớm phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ảnh: Nam Anh

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhiều lần nhấn mạnh việc cần thiết phải hiện đại hóa ngành nuôi biển, xây dựng hạ tầng, thậm chí hỗ trợ lồng, tàu, sà lan để phục vụ cho nuôi biển như các nước phát triển. Ưu đãi về vốn, thuế, xây dựng chuỗi khép kín từ nguyên liệu đầu vào, con giống đến quy trình nuôi để xuất khẩu. Cùng đó, cần tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển, chế biến, chiết xuất các vi chất từ sản phẩm nuôi biển, phụ phẩm chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của nuôi biển. Xây dựng hệ thống thông tin, dự báo phân tích thị trường, kết nối cung cầu, vận động, tạo điều kiện cho các chủ thể NTTS tích cực tham gia chuyển đổi số nghề nuôi biển nói riêng, ngành thủy sản nói chung, tạo động lực mới cho phát triển nuôi biển bền vững.

Bên cạnh đó, cần hình thành và triển khai thực hiện một chương trình khoa học công nghệ tập trung nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ nuôi, thức ăn, phòng, chống dịch bệnh, công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm nuôi biển; thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn nuôi biển công nghiệp, đảm bảo thức ăn có chất lượng cao, giá thành hợp lý, không ảnh hưởng tới môi trường biển.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!