T6, 10/12/2021 09:27

Tăng tốc cuối năm

(TSVN) – Ngành thủy sản các tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước nói chung đang nỗ lực, linh hoạt tối đa để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Mặc dù, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động xuất khẩu đã có nhiều tín hiệu lạc quan hơn.

Từ việc chuyển chủ trương “không COVID-19” sang phương châm “thích ứng, an toàn, linh hoạt” các doanh nghiệp thủy sản đã đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu trong quý IV/2021.

Báo cáo của VASEP cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 10/2021 đạt 918 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2020 và tăng 47% so tháng 9/2021. Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc đều tăng 18%, cua ghẹ tăng 13%, tôm tăng 1,6%. Tính đến hết tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%; trong đó, tôm đạt 3,2 tỷ USD tăng 2,6%, cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ đạt 594 triệu USD tăng 9,5%, mực bạch tuộc đạt 475 triệu USD tăng 4,5%.

Thành công trong việc thích ứng với dịch bệnh để duy trì sản xuất dựa vào các yếu tố cơ bản đó là các ban, ngành, các doanh nghiệp, địa phương vẫn duy trì được sản xuất và nguồn nguyên liệu. Các doanh nghiệp ngành tôm cho biết, lượng tôm nguyên liệu tồn kho vẫn còn đủ để tăng tốc xuất khẩu những tháng cuối năm. Các doanh nghiệp với hàng nghìn công nhân thực hiện “3 tại chỗ” giúp các nhà máy tiếp tục hoạt động. Rút kinh nghiệm, nhiều nhà máy đã thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, lấy mẫu test thường xuyên, giúp hạn chế việc lây nhiễm trong nhà máy.

Việc các quốc gia đang thích ứng và dần tổ chức lại các kênh phân phối tiêu thụ giúp thị trường thủy, hải sản thế giới được phục hồi đáng kể trong những tháng cuối năm 2021. Đặc biệt tại thị trường Mỹ, thủy sản Việt Nam chạm mốc 24% kim ngạch với gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ; thị trường EU cũng tăng 7%; Hàn Quốc chiếm 9% đạt 643 triệu USD, tăng nhẹ 2%. Đặc biệt, tại thị trường Philippines, tính đến hết tháng 10/2021, đây là một trong số các thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, với kim ngạch trên 64 triệu USD, tăng 46% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Philippines tăng gấp hơn 5 lần so cùng kỳ năm 2020, đạt trên 18 triệu USD. Với mức tăng đột phá này, từ vị trí 23 năm 2020, năm nay Philippines trở thành thị trường đơn lẻ lớn thứ 13 của thủy sản Việt Nam.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực cũng ghi nhận những tín hiệu sáng về hoạt động giao thương. Như với sản phẩm cá ngừ, sau hai tháng sụt giảm liên tục do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 10 sau khi các địa phương nới lỏng và mở cửa để phục hồi sản xuất. Giá trị xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 10 đạt 73 triệu USD, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020, cao hơn 17% so cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tính đến hết tháng 10/2021, xuất khẩu cá ngừ của cả nước đạt gần 594 triệu USD, tăng 9,5%.

 

Trong đó, giá trị xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh và không đạt 336 triệu USD, tăng 33%. Còn xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp đạt 258 triệu USD, giảm 11%. Đáng chú ý, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến khác, đặc biệt là loin cá ngừ hấp đông lạnh, ngày càng tăng, tăng 11% so cùng kỳ. Các thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam trong 10 tháng qua là Mỹ, EU, Mexico và Israel; hoạt động sản xuất chế biến cá ngừ đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới khi các gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch được nhanh chóng triển khai cũng như những biện pháp tháo gỡ đã tác động thực chất vào thực tiễn.

Với cá tra, tính đến hết tháng 10/2021, tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,21 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm chế biến giảm hơn 50%. Mỹ là mảng sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu sản phẩm này trong năm nay, riêng tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng gần gấp đôi so tháng trước. Cùng với đó, cá tra, cá basa của Việt Nam hiện đang là mặt hàng chiếm lĩnh gần như tuyệt đối tại thị trường tại Australia và được người tiêu dùng nước này ưa chuộng. Để củng cố vị thế, mở rộng dung lượng thị trường và nâng cao giá trị cho cá tra, cá basa Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia vừa phát động chương trình xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường các sản phẩm này tại Australia. Chương trình sẽ khiến cho người tiêu dùng Australia chú ý và ấn tượng tốt với thương hiệu cá tra, cá basa thơm ngon của Việt Nam nhưng lại có giá thành phù hợp với việc tiêu dùng hàng ngày.

Đối với mảng xuất khẩu tôm, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường châu Âu, Mỹ đang có xu hướng hồi phục, cùng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan, nhất là ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, sẽ tạo thuận lợi cho sản phẩm tôm Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh. Minh chứng cho thấy, sản phẩm tôm Việt hiện đang có rất nhiều lợi thế tại thị trường EU. Tính tới 15/10/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt gần 439 triệu USD, tăng 10,3% so cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt, cùng đó, nhu cầu nhập khẩu tôm của EU trong tháng cuối năm nay vẫn tiếp tục tăng.

Các chuyên gia đều nhận định ngành thủy sản Việt Nam dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sẽ vẫn phát triển trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022 dựa vào nền tảng là các nước châu Âu và Mỹ đang dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại; các nhà nhập khẩu tăng cường nhập hàng để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ tăng; lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường, giữ được đà tăng trưởng của xuất khẩu.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, phấn đấu đưa Việt Nam vào Top 5 các quốc gia xuất khẩu thủy sản của thế giới. Đề án này tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chú trọng tới nhóm sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, cá ngừ); đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ cá ngừ, rong tảo biển và phụ phẩm; tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao phục vụ ngành thực phẩm, hóa dược.
Tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 được nhiều doanh nghiệp xem là “điểm rơi” của kế hoạch phục hồi. Do vậy nếu tiếp cận được chính sách phù hợp, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ trở lại rất nhanh.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!