EMS bị “vạch mặt”, nhưng thách thức vẫn còn

Chưa có đánh giá về bài viết

Đã tìm ra lý do của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) nhưng chưa phải vì thế ngành tôm nhanh chóng hồi phục và phát triển.

Mối lo ngại lớn

Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực nuôi trồng thủy sản lớn nhất thế giới, đang liên tục bị bao vây bởi các vấn đề về bệnh động vật thủy sản, có thể gây tỷ lệ chết và thiệt hại kinh tế lớn cho cả người nuôi quy mô nhỏ cũng như các nhà sản xuất thương phẩm. Hơn hai thập kỷ qua, các loại bệnh như đốm trắng, đầu vàng và hội chứng Taura đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành nuôi tôm trong khu vực và làm sụp đổ nghề nuôi tôm sú.

Gần đây, một loại bệnh mới nổi lên được gọi là Hội chứng tôm chết sớm (EMS) – hay Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS). Theo nhiều nhà nghiên cứu, EMS tác động đến cả tôm sú P. monodon lẫn tôm thẻ L. vannamei và với đặc điểm tôm chết hàng loạt trong 20 – 40 ngày đầu; với các dấu hiệu lâm sàng: mức tăng trưởng chậm, bơi hình xoắn ốc, vỏ xốp và màu xanh xám, tôm bị teo tóp, nhỏ, sưng phồng bất thường hoặc gan tụy bị đổi màu.

Ảnh: Phan Thanh Cường

EMS đã ảnh hưởng lớn tới ngành tôm thế giới, nhất là châu Á (như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan…). Ở Trung Quốc, EMS xảy ra năm 2009. Ban đầu, hầu hết người nuôi không mấy quan tâm, bởi nó chưa tác động lớn tới sản xuất. Nhưng năm 2011, EMS bùng phát nghiêm trọng, đặc biệt ở các trang trại với lịch sử nuôi hơn 5 năm và ở khu vực gần biển sử dụng nguồn nước mặn. Nuôi tôm ở Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây bị thiệt hại hơn 80% trong nửa đầu năm 2011.

Ở Việt Nam, EMS được theo dõi từ năm 2010, nhưng sự tàn phá lan rộng nhất từ tháng 3/2011 tại ĐBSCL; tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, với tổng diện tích khoảng 98.000 ha. Năm 2012 có khoảng 330 triệu con tôm chết ở Trà Vinh và 20.000 ha ở Sóc Trăng. Tại Malaysia, giữa năm 2010 đã có báo cáo đầu tiên về ảnh hưởng của EMS tại các bang Pahang và Johor; dịch bệnh EMS bùng phát dẫn đến sụt giảm sản lượng tôm thẻ từ 70.000 tấn năm 2010 xuống còn 40.000 tấn năm 2011…

 

Vạch mặt, chỉ tên EMS

Tiến sĩ Donald Lightner, một chuyên gia nghiên cứu bệnh tôm hàng đầu thế giới, người lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu bệnh học tôm ở Đại học Arizona (Mỹ) tại Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản phía tây (West Campus Aquaculture Center), thành lập năm 1986, một trong những trung tâm chẩn đoán bệnh tôm hàng đầu thế giới; Đầu tháng 5/2013, nhóm nghiên cứu của ông đã xác định được nguyên nhân gây EMS, một trong những mối lo ngại lớn của ngành tôm thế giới, tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm; được đánh giá là thành tựu vượt bậc trong nghiên cứu bệnh học tôm. Ông chỉ ra rằng EMS được gây nên bởi một chủng duy nhất của một loại vi khuẩn khá phổ biến, còn gọi là Vibrio parahaemolyticus, đã bị nhiễm bởi một loại virus được biết đến như một thực thể khuẩn phát ra một loại độc tố mạnh. Vi khuẩn được truyền qua miệng, sống tại đường tiêu hóa của tôm, sau đó sản xuất ra độc tố phá hủy mô và gây rối loạn chức năng gan tụy, cơ quan tiêu hóa của tôm. Nghiên cứu cũng tiếp tục với việc phát triển các xét nghiệm chẩn đoán để phát hiện nhanh chóng EMS, cho phép nâng cao quản lý trong trại giống và ao; đồng thời góp phần đánh giá tốt hơn về những rủi ro trong quá trình nhập khẩu tôm đông lạnh hoặc sản phẩm khác từ các nước bị ảnh hưởng bởi EMS.

 

Chú trọng quản lý

Theo TS Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS I, EMS đang là mối quan tâm chung của nhiều nước ASEAN, bởi phạm vi ảnh hưởng của nó rất lớn. Do đó cần tìm cách kiểm soát hội chứng này trong toàn chuỗi sản xuất tôm. Trước mắt, các cơ quan nghiên cứu có thể kết hợp với Hội đồng Quản lý Mạng lưới các trung tâm NTTS châu Á – Thái Bình Dương (NACA) để thu thập và phổ biến thông tin về diễn biến dịch bệnh, cách phòng ngừa… Trong khi chưa tìm ra cách chữa trị triệt để, cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi áp dụng Quản lý thực hành NTTS tốt nhất (BMP).

EMS làm ngành tôm Việt Nam điêu đứng – Ảnh: Trần Út

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại Hội nghị tổng kết tình hình nuôi tôm nước lợ các tỉnh Nam Trung bộ 4 tháng đầu năm 2013 (ngày 10/5), trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm, gồm Tổng cục Thủy sản, các viện nghiên cứu NTTS, Trường ĐH Cần Thơ, Cục Thú y và chuyên gia nước ngoài. Cùng đó, tiến hành tổng kết những mô hình nuôi thành công trong vùng dịch bệnh và có văn bản hướng dẫn các địa phương áp dụng quy trình được tổng kết từ thực tiễn sản xuất. Từ đó khuyến cáo người dân tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo tốt các yếu tố về môi trường tôm nuôi, áp dụng những quy trình nuôi tôm đã có hiệu quả…, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong nuôi trồng.

Phó vụ trưởng Vụ NTTS Dương Văn Thể cho rằng, điều cần làm hiện nay là nghiên cứu và áp dụng những mô hình nuôi tôm đã mang lại hiệu quả, nuôi tôm đảm bảo an toàn các yếu tố môi trường, đầu vào. Người dân cần tuân thủ nghiêm khuyến cáo của ngành chức năng, cải tạo môi trường nuôi tốt; trong đó chú trọng việc chuẩn bị ao nuôi, nhất thiết phải có hệ thống ao lắng, xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi, nhằm loại bỏ tác nhân gây bệnh trong tự nhiên; thường xuyên khống chế tảo trong ao. Trong điều kiện thời tiết bất thường, cần chú ý việc chăm sóc tôm, đặc biệt chế độ cho ăn và nhiệt độ nước trong ao; không cho tôm ăn quá nhiều, tạo sức đề kháng tốt cho tôm.

>> Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đề nghị: Sở NN&PTNT các tỉnh kiểm tra chặt chẽ các yếu tố đầu vào và điều kiện sản xuất kinh doanh; vận động các hộ nuôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các loài, dòng vi khuẩn gây hại tôm nuôi; tăng cường công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh…

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!