(TSVN) – Xuất bản ngày 01/10/2021.
Thưa quý vị bạn đọc!
Khó khăn lớn nhất trong đại dịch chính là vấn đề lưu thông hàng hóa, nhất là ở vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp là ĐBSCL. Bởi nhìn bề ngoài là sự lưu thông bị đứt gãy nhưng bên trong thì đó là sự yếu kém, đứt gãy của chuỗi logistics nông sản. Chính vì vậy, kết nối, phát triển hệ thống logistics nông nghiệp được coi là chính sách nền, nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa nông sản. Vấn đề đầu tư phát triển dịch vụ logistics đã được Chính phủ quan tâm nhằm giải tỏa những khó khăn ách tắc cho xuất khẩu sản phẩm trong nước, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Theo Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5 – 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 – 20%, chi phí logistics giảm xuống từ 16 – 20%…
Tuy nhiên, logistics không chỉ chịu tác động từ sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa và các mô hình quản trị logistics tiên tiến mà còn phải chuẩn bị sẵn sàng cho một giai đoạn mới, những thay đổi mới với các tiền đề được đặt ra bởi đại dịch COVID-19 và những thách thức bứt phá cho xuất khẩu. Để có được cái nhìn đa chiều, các thông tin về thị trường logistics của Việt Nam và thế giới cùng những rào cản nào cho sự phát triển ngành hàng giàu tiềm năng này, mời độc giả đón đọc chuyên mục Chuyên đề & Vấn đề trên số báo ngày 1/10 này.
Trong tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn, vấn đề quan tâm của người dân và doanh nghiệp hiện nay chính là việc ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình hậu COVID. Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành đã liên tục có những chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhanh chóng khơi thông sản xuất với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19. Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra 6 nguyên tắc cơ bản để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch COVID-19 trong tình hình mới, đó là: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; bảo đảm an sinh, ổn định chính trị – xã hội là trọng yếu và thường xuyên; ý thức người dân, vaccine, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; tranh thủ tối đa, coi việc thích ứng với dịch COVID-19 là động lực để phấn đấu vươn lên và thay đổi.
Ngoài ra, trên số báo này, Tạp chí cũng giới thiệu đến độc giả một số mô hình nuôi thủy sản hiệu quả được phát triển tại nhiều địa phương, nhất là với nuôi tôm đang rất thành công ngay cả trong đại dịch; tình hình giá tôm đã bắt đầu khởi sắc khi các tỉnh nới lỏng việc giãn cách xã hội; những chia sẻ của người trong cuộc để giúp ngành hàng cá tra phát triển an toàn, linh hoạt và hiệu quả… Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập