(TSVN) – Xuất bản tháng 10 – 2020.
Thưa quý vị bạn đọc!
EVFTA là một hiệp định được kỳ vọng mang lại sự khởi sắc cho ngành tôm Việt Nam nhất là trong bối cảnh tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19; điều này đã được minh chứng rõ nét khi mà giá trị xuất khẩu tôm trong 9 tháng đầu năm theo số liệu của VASEP đã tăng tới 10% so cùng kỳ năm 2019, đạt kim ngạch 2,7 tỷ USD. Trong đó, thị trường EU là điểm sáng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, EVFTA không chỉ là sân chơi màu hồng, bởi để có thể tận dụng được những ưu đãi từ Hiệp định này đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến thủy sản nói chung trong đó có doanh nghiệp tôm phải không ngừng đổi mới, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe nhất là về truy xuất nguồn gốc và ATTP. Ðây cũng là vấn đề khá nhức nhối của ngành tôm, khi mà Việt Nam vẫn chưa làm chủ hoàn toàn được nguồn tôm giống bố mẹ, mỗi năm phải nhập khẩu tới 200.000 – 250.000 con (khoảng 90% ngoại nhập). Thời điểm khan hiếm, những đầu mối nước ngoài thường ưu tiên bán cho những đơn vị thu mua với giá cao hơn dẫn đến việc nguồn cung không đảm bảo. Khi nguồn tôm giống chất lượng thấp sẽ khiến cho vụ nuôi không thành công, chi phí tăng cao mà chất lượng sản phẩm lại không đạt yêu cầu.
Cùng với đó, sản xuất tôm ngày một khó khăn hơn bởi vấn đề dịch bệnh và môi trường ô nhiễm, đây cũng là rào cản để ngành tôm có thể đảm bảo được chất lượng và số lượng phục vụ chế biến, xuất khẩu. Trong đó, dịch bệnh vẫn là nỗi đe dọa lớn của người nuôi tôm với một số bệnh thường gặp như bệnh đốm trắng, bệnh do vi bào tử trùng (EHP) và các bệnh liên quan đến đường ruột, bệnh phân trắng. Trong đó, bệnh phân trắng là vấn đề hiện làm đau đầu các nhà nghiên cứu, bởi cho đến nay gần như chưa có một cơ sở khoa học nào về nguyên nhân cũng như bản chất của bệnh này. Giải pháp được đưa ra để phòng bệnh và giảm thiểu thiệt hại trên tôm theo TS Trần Hữu Lộc, Khoa Thủy sản, Trường ÐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh là phải bắt đầu từ con giống cho đến ao nuôi và nguồn nước. Cùng đó là những giải pháp về dinh dưỡng trong chăm sóc và quản lý nuôi tôm, để tôm nuôi đạt năng suất, chất lượng.
Ðây là một số nội dung chính của Ðặc san Con Tôm phát hành tháng 10/2020. Cùng đó là những chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để sản xuất tôm hiệu quả hơn, thành công hơn thông qua các mô hình nuôi tôm công nghệ cao thân thiện môi trường, cho năng xuất, hiệu quả bền vững hiện đang được nhân rộng tại nhiều địa phương… Mời các bạn đón đọc!
Trân trọng!
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Điện thoại: 0243 77 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn hoặc đăng ký trực tiếp qua link sau:
Đăng ký đặt mua Thủy sản Việt Nam
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
BAN BIÊN TẬP