(TSVN) – Xuất bản tháng 9 – 2020.
Thưa quý vị bạn đọc!
Ngành tôm hiện đã dần lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt ở các thị trường lớn. Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã có sự tăng đều đặn, điều này đẩy thêm hy vọng cho toàn ngành về kết quả khả quan cả năm 2020 với con số 3,5 tỷ USD.
Nếu nhìn vào tình hình xuất khẩu, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được, nhất là khi các thị trường lớn của tôm Việt Nam là Mỹ hay Nhật Bản, Trung Quốc đều đang rất khả quan. Đặc biệt, thị trường EU cũng mang đầy hy vọng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Việc này được đánh giá có thể làm “đảo ngược dòng chảy” xuất khẩu của tôm Việt Nam vốn đang có chiều hướng tăng trưởng mạnh vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dựa vào điều khoản có trong Hiệp định, để tận dụng được cơ hội từ Hiệp định này với ngành tôm Việt Nam không hề đơn giản. Đơn cử là việc nguồn gốc tôm nguyên liệu.
Mặc dù là nước nuôi tôm lớn trên thế giới, nhưng từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp tôm lớn của Việt Nam vẫn nhập khẩu nguyên liệu để chế biến. Thế nhưng, theo quy định của EVFTA, chỉ có tôm nuôi ở trong nước mới được hưởng ưu đãi về thuế suất. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm lo lắng. Bởi trong trường hợp nước nhập khẩu liên tục phát hiện gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc nước xuất khẩu thiếu hợp tác, không cho xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất… sẽ có nhiều phiền phức hơn. Nếu hai bên không có được biện pháp giải quyết thì bên nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm dừng ưu đãi. Thời gian áp dụng tạm dừng này là 3 tháng và có thể gia hạn thêm.
Bên cạnh đó, còn nhiều quy định đi kèm như việc tôm đạt các chứng chỉ quốc tế, đặc biệt là ASC, đồng nghĩa các doanh nghiệp phải thực hiện tốt các chính sách xã hội như lao động, môi trường… Một điều mà các doanh nghiệp tôm của Việt Nam rất lo ngại, bởi sẽ phải thay đổi cả cấu trúc ngành để thực hiện…
Đây là nội dung chính của Đặc san Con Tôm phát hành tháng 9/2020. Xung quanh vấn đề này, đã có nhiều ý kiến phân tích đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm mở rộng hơn nữa giải pháp để con tôm Việt Nam thuận lợi bước chân vào thị trường lớn này. Ngoài ra, trong số này, Con Tôm sẽ tiếp tục đăng tải bài viết của các nhà khoa học để đồng hành cùng người nuôi tôm Việt Nam; đồng thời, đưa đến bạn đọc những thông tin mới nhất của ngành tôm thế giới. Mời các bạn đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Con Tôm
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập