(TSVN) – Xuất bản tháng 12 – 2020.
Thưa quý vị bạn đọc!
Bất chấp tác động bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp thủy sản trong cả nước đã đẩy mạnh chế biến các sản phẩm thủy sản có giá trị cao nhằm tăng cường xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới. Xuất khẩu thủy sản đang có tín hiệu khởi sắc, cơ hội cho các doanh nghiệp tăng tốc về đích cuối năm; động lực chính cho sự phục hồi là ngành tôm. Mặt hàng này đã tăng trưởng hai con số từ tháng 6 và tăng mạnh trong tháng 9 – 11. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so cùng kỳ 2019. VASEP cho rằng, với mức duy trì này, xuất khẩu tôm cả năm dự kiến đạt 3,85 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước.
Là vùng trọng điểm về nuôi tôm cũng như hội tụ nhiều doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu tôm, ĐBSCL đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tăng hàm lượng chế biến sâu, tạo thêm các mặt hàng giá trị gia tăng để nâng kim ngạch xuất khẩu tôm; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nắm và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Khi các doanh nghiệp tôm “được mùa” xuất khẩu, thì giá tôm cũng có rất nhiều tín hiệu khởi sắc. Theo ghi nhận, giá tôm sú tăng bình quân 5.000 – 10.000 đồng/kg so hai tháng trước; TTCT cũng tăng đều ở các kích cỡ do đang là cuối vụ, sản lượng giảm mạnh trong khi nhu cầu thu mua, chế biến phục vụ các đơn hàng dịp cuối năm của các doanh nghiệp lại tăng cao.
Tuy nhiên, khi thị trường xuất khẩu có nhiều phục hồi thì cuối năm cũng là thời điểm mà vấn đề dịch bệnh phát triển mạnh mà điển hình là bệnh đốm trắng (WSSV) đã xuất hiện và những dự báo cho thấy thời tiết có xu hướng chuyển mạnh sang La Nina nên chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm sẽ rất lớn, nếu thả nuôi sớm rủi ro sẽ rất cao. Chính vì vậy, các địa phương cũng lưu ý người nuôi cần quan sát biến động môi trường, chủ động các giải pháp về quản lý môi trường ao nuôi, chăm sóc tôm để sản xuất hiệu quả hơn, tận dụng tốt cơ hội từ thị trường.
Năm 2020 dần khép lại, đây là một năm rất khó khăn của ngành thủy sản nói chung trong đó có sản xuất tôm; nhưng bằng sự linh hoạt, nhạy bén, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được kênh tiêu thụ thay thế để sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn; ngành tôm vẫn là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu thủy sản. Kỳ vọng, khi vượt qua được những thách thức của năm 2020, bước sang năm 2021, ngành tôm sẽ có những bước khởi sắc mới hơn, thành công hơn.
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Con Tôm
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban biên tập