(TSVN) – Xuất bản ngày 16/07/2023.
Thưa quý vị bạn đọc!
Theo các chuyên gia, giá tôm thế giới đã chạm đáy ngoài sức chịu đựng của hộ nuôi ở tất cả các cường quốc nuôi tôm, cho thấy giá không thể giảm hơn nữa, đây cũng là nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán dự trữ hàng. Do đó, xuất khẩu tôm chắc chắn sẽ được cải thiện nhiều so với 6 tháng đầu năm. Ngoài các yếu tố trên thì thời gian tới cũng là mùa tiêu thụ cao điểm với các Lễ hội lớn, đặc biệt dịp Noel và chào đón năm mới. Giai đoạn này hàng chế biến sâu chiếm ưu thế tiêu thụ hơn so với hàng sơ chế hay chế biến cấp thấp. Hàng tinh chế là lợi thế của các doanh nghiệp tôm chúng ta. Tuy nhiên, tình hình thả nuôi tôm hiện nay chưa có nhiều khả quan khi mà giá tôm vẫn chưa có sự thay đổi, vẫn ở mức giá mà theo các hộ nuôi họ không có được lợi nhuận và dần có thêm nhiều diện tích nuôi tôm phải treo ao. Mặc dù vậy đã có những tín hiệu về sự phục hồi hoạt động xuất khẩu tôm, dù chưa mấy rõ ràng, nhưng cũng đủ để ngành tôm nắm bắt, tận dụng và thích nghi trong tình hình mới. Nội dung này sẽ được phản ánh sâu sắc qua bài viết với tựa đề: “Ngành tôm Việt: Chắt chiu cơ hội phục hồi” trên số báo phát hành kỳ 16/7 của Thủy sản Việt Nam. Mời quý độc giả đón đọc.
Một tín hiệu tích cực khác trong hoạt động xuất khẩu thủy sản thời gian qua đó là việc lô hàng 5 tấn cá mè hoa của tỉnh Lạng Sơn đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn, Việt Nam) – Lũng Nghịu (Bằng Tường, Trung Quốc). Cả Việt Nam và Trung Quốc đều hy vọng việc thông thương tại cửa khẩu Lũng Nghịu sẽ góp phần giúp giao thương hai nước qua cửa khẩu này khởi sắc trong thời gian tới.
Cùng với vấn đề nuôi trồng, hoạt động khai thác thủy sản hiện cũng đang triển khai rốt ráo các giải pháp để hướng tới nghề cá bền vững và nhanh chóng gỡ bỏ được “thẻ vàng” của EC. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm sản lượng khai thác thủy sản vẫn tăng, nhưng tăng nhiều không hoan nghênh, mà phải giảm. Hơn nữa, phải dồn lực lượng trong kiểm soát tàu cá, cảng cá, hạ tầng. Đây là những vấn đề rất quan trọng, nhất là trong quá trình Việt Nam đã, đang khẩn trương thực hiện gỡ cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác IUU. Theo Cục Kiểm ngư, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong 6 tháng cuối năm chính là phát động và triển khai đợt cao điểm về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản trong đợt cao điểm chống khai thác IUU đến tháng 10/2023, để tạo chuyển biến và đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thanh tra lần thứ 4 của EC tại Việt Nam. Đồng thời, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn tàu cá vi phạm quy định về khai thác IUU; giám sát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao, nhất là tàu cá mất kết nối thiết bị VMS trên biển, tàu cá vượt ranh giới trên biển, vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong số báo phát hành kỳ này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng gửi đến bạn đọc thông tin về tình hình giao thương quốc tế, một số hoạt động của các doanh nghiệp ngành thủy sản cùng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật thủy sản. Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập