Xuất bản ngày 1/8/2016.
Thưa quý vị bạn đọc!
Ngành nông nghiệp Việt Nam những năm qua có sự phát triển không ngừng cả về diện tích, sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu; tuy nhiên đi liền với sự phát triển là tính bền vững chưa được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm, thủy sản nuôi vi phạm chiếm 1,61%; trong đó chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chất cấm chiếm 1,41% tăng so cuối năm 2015 (1,14%). Nguyên nhân của những tồn tại này là việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn lỏng lẻo. Các sản phẩm được tiêu thụ tràn lan, không có giấy chứng nhận an toàn. Ngoài ra, nhận thức và ý thức, trách nhiệm về an toàn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, quản lý còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt và xử lý chưa đủ sức răn đe.
Còn trên lĩnh vực khai thác thủy sản, để nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm qua, đã có rất nhiều công nghệ vượi trội được ứng dụng. Tuy nhiên, hiệu quả chưa như mong muốn, đó cũng chính là những chia sẻ tại Hội nghị chuyển giao, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức vừa qua tại TP Quy Nhơn (Bình Định). Các đại biểu cho rằng, việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác thủy sản là hướng đi đúng và là giải pháp quan trọng để các tỉnh nâng cao giá trị gia tăng, hạn chế rủi ro trên biển. Nhưng, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, ngoài sự nỗ lực của các tỉnh, Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ các địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng hậu cần nghề cá. Cung cấp thông tin về ngư trường xa bờ và cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới, tổ chức đào tạo tập huấn chuyển giao cho cán bộ ngành nông nghiệp, ngư dân để áp dụng hiệu quả.
Một vấn đề cũng đang thu hút sự quan tâm của bạn đọc thời gian qua chính là việc nhà máy giấy Lee&Man của Công ty TNHH Lee&Man Việt Nam tại Cụm công nghiệp Phú Hữu Aở thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) tiềm ẩn nguy cơ hủy diệt thủy sản ĐBSCL. Theo đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5510/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm ngăn chặn, chủ động phòng tránh có hiệu quả việc ô nhiễm môi trường có thể xảy ra.
Đây là những nội dung chính của Tạp chí Thủy sản Việt Nam phát hành ngày 1/8. Ngoài ra, cũng trên số báo này, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến tình hình của ngư dân miền Trung sau sự cố Formosa; những tiến bộ mới trong khai thác thủy sản cùng tư vấn kỹ thuật trong quá trình nuôi trồng. Mời quý vị đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Điện thoại: 043 77 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn hoặc đăng ký trực tiếp qua link sau:
Đăng ký đặt mua Thủy sản Việt Nam
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Trân trọng!