Xuất bản 1/9/2017
Thưa quý vị bạn đọc!
Sản xuất cá tra hiện đang phải đối diện với vô vàn thách thức và nguy cơ sụt giảm thị phần tại các thị trường trọng điểm như Mỹ và EU. Với thị trường Mỹ là quy định kiểm soát chặt chẽ tất cả các công đoạn sản xuất cá tra bắt đầu từ 1/9/2017. Đây không phải lần đầu cá tra Việt Nam gặp vấn đề về rào cản thương mại, nhưng lần này có sự khác biệt, đó là tất cả các lô hàng phải đưa vào các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chỉ định và các doanh nghiệp phải thuê các cơ sở đó trong quá trình bảo quản và chờ kiểm tra. Như vậy sẽ có rủi ro khi một số doanh nghiệp không thuê được kho gần các cơ sở kiểm tra, sẽ phát sinh chi phí vận chuyển. Các bộ, ngành cùng doanh nghiệp và người nuôi đang tìm cách từng bước tháo gỡ; nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu đó là ngành cá tra Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất, tạo dòng sản phẩm ở phân khúc cao hơn, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Với cá tra là hàng rào kỹ thuật, còn với con tôm, một trong những đối tượng chủ lực của ngành thủy sản lại là bài toán về chất lượng con giống. Khi cả nước có 1.863 cơ sở sản xuất tôm giống nhưng nguồn tôm bố mẹ vẫn phụ thuộc nhập khẩu, nhất là tôm thẻ chân trắng tới 90%. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định chất lượng nguồn giống phục vụ nhu cầu nuôi trồng của người nuôi tôm. Bộ NN&PTNT cũng dành nhiều nguồn đầu tư cho sản xuất tôm giống, tuy nhiên, hiện số lượng trại giống trên cả nước thì nhiều, nhưng chất lượng thì vẫn là câu chuyện phải bàn luận. Như chia sẻ của ông Đào Văn Bảy, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, tình trạng tôm giống trôi nổi hầu như năm nào cũng có, nhất là vào thời điểm thị trường khan hiếm tôm giống chất lượng cao. Chính vì vậy nâng cao chất lượng tôm giống vẫn cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành, doanh nghiệp và địa phương.
Ngoài ra, trên số báo ra ngày 1/9 cũng giới thiệu một số mô hình nuôi thủy sản thành công như cá kèo Sóc Trăng, ốc hương Hà Tĩnh; cùng những giải pháp kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản… Mời quý độc giả đón đọc!
Trân trọng!
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Điện thoại: 043 77 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn hoặc đăng ký trực tiếp qua link sau:
Đăng ký đặt mua Thủy sản Việt Nam
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.