Xuất bản ngày 16/9/2013
Thưa quý vị bạn đọc!
Đã chuẩn bị bước vào quý cuối cùng của năm, mặc dù còn nhiều trăn trở, nhưng ngành thủy sản vẫn đang đón nhận tin vui từ nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt là con tôm, khi thành công trong việc “bật” qua khó khăn liên tiếp giành thắng lợi, đặc biệt giá nguyên liệu luôn ở mức cao kỷ lục, sản phẩm xuất khẩu không còn hiện tượng bị trả về…
Nhưng, niềm vui này thiếu trọn vẹn, vì dù đã gần hết năm, cá tra vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, giá cá nguyên liệu dù đã tăng nhưng chưa tới giá thành sản xuất, người nuôi vẫn bị lỗ. Điều đáng nói, các thông tin về cá tra dường như đang rơi vào tình trạng “nhiễu loạn”. Theo Phó Chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh, “cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu chủ yếu và của các doanh nghiệp tự nuôi, cá trong dân còn rất ít”. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, là nếu cá thiếu thì giá phải tăng, trong lúc thực tế giá cá tra vẫn nằm im? Nên nhiều người nuôi cho rằng, đây chỉ là “chiêu” của doanh nghiệp. Thực hư vấn đề này thế nào, và còn nguyên nhân nào khác nữa, tất cả sẽ có trong chuyên mục Tiêu điểm của Thủy sản Việt Nam số 18 này.
Cùng với đó, vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là việc “Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” sắp được Chính phủ ban hành. Đây được coi là cơ sở để ngành cá tra đi vào quy củ, phát huy được thế mạnh của mình, tuy nhiên, còn nhiều điều khiến người trong cuộc trăn trở. Thủy sản Việt Nam sẽ đăng tải bài viết của ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đặc biệt sau chuyến công tác của ông tại Na Uy, những bài học trong quản lý của ngành cá hồi nước này đã cho ông cái nhìn lại về cá tra Việt Nam.
Còn nữa, ngành cá tra hiện nay đang bị bủa vây bởi rất nhiều chứng nhận tiêu chuẩn, mà mỗi thị trường một yêu cầu khác nhau. Điều này thực sự có tốt không, có mang lại lợi ích thiết thực cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm này không. Câu trả lời là có, nhưng chưa lớn. Bởi để có được chứng nhận này, đối với người nuôi cá Việt Nam không hề rẻ. Và trong điều kiện giá thức ăn tăng cao, nhà xuất khẩu phải cạnh tranh để giữ đơn hàng thì mọi chi phí đều phải cân nhắc. Đây là phân tích của ông Mike Urch – Biên tập viên cộng tác SeafoodSource. Theo ông này, việc làm cần thiết nhất của cá tra Việt Nam hiện nay là xây dựng thương hiệu, nhưng phải dựa trên mục tiêu là khách hàng, bởi nếu không thì việc kinh doanh sẽ còn bị trượt dài hơn nữa…
Và còn nhiều bài viết phân tích sâu sắc về các lĩnh vực khác của ngành thủy sản mà Thủy sản Việt Nam sẽ đăng tải trong số này. Kính mời quý độc giả đón đọc.
Trân trọng!
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Mrs Vũ Na: 097 823 3492; (04) 37711756
Email: vunathuysan@gmail.com; phqc@thuysanvietnam.com.vn
hoặc đăng ký trực tiếp qua link sau:
Đăng ký đặt mua Thủy sản Việt Nam
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.