Xuất bản ngày 16/9/2015
Thưa quý vị bạn đọc!
Một trong những hạn chế của ngành thủy sản Việt Nam là các sản phẩm xuất khẩu mới chỉ dừng ở dạng sơ chế mà chưa tập trung nhiều vào hàng giá trị gia tăng. Điển hình là ngành cá tra. Trong thời gian chưa tới vài thập kỷ, sản lượng cá tra đã tăng 10 lần và số lao động ngành này cũng tăng tương ứng. Cũng suốt hai thập kỷ qua, xuất khẩu cá tra chủ yếu vẫn ở dạng nguyên liệu với tỷ trọng gần 90%; rất ít doanh nghiệp nghiêm túc đầu tư vào sản phẩm giá trị gia tăng, trong khi thị trường ngày càng tỏ ra hấp dẫn với các dòng sản phẩm này. Lý do được đưa ra là một số nước đã và đang tăng cường khai thác, đánh bắt, khiến sản phẩm tươi sống của họ có giá rẻ, sản phẩm nhập khẩu khó cạnh tranh. Ngoài ra, do thời gian chế biến các món ăn khá cầu kỳ, nên việc mua các sản phẩm đã qua chế biến, nhất là các sản phẩm đòi hỏi chế biến công phu, đang ngày càng được chú ý hơn.
Mặt khác, sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng vẫn hạn chế phần nào là do công nghệ chế biến nhóm hàng này còn nhiều bất lợi. Như chia sẻ của TS Đào Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Chế biến Bảo quản Thủy sản (Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối – Bộ NN&PTNT), đối với hệ thống chế biến xuất khẩu, việc dàn trải trong xây dựng nhà máy, sự chậm trễ trong tìm khâu đột phá nguồn nguyên liệu đang làm cho bức tranh chế biến thủy sản chỉ tập trung ở một số vùng, một số vùng ngày một tụt hậu, thậm chí có tỉnh, ngành chế biến thủy sản xuất khẩu đã gần như suy sụp…
Một vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm của độc giả những ngày gần đây, đó là tình trạng cá chết hàng loạt tạixã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do ô nhiễm môi trường tại các nhà máy chế biến thủy sản. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã quyết liệt vào cuộc và theo lời hứa của Chủ tịch UBND tỉnh, nếu cơ sở chế biến nào gây ô nhiễm sẽ buộc phải bồi thường cho dân. Một lần nữa, ô nhiễm môi trường trong chế biến thủy sản lại tiếp tục báo động.
Ngoài ra, Tạp chí Thủy sản Việt Nam số ra ngày 16/9 này cũng sẽ đề cập đến nhiều nội dung về tình hình nuôi trồng, khai thác thủy sản 8 tháng đầu năm, với những thuận lợi và khó khăn. Mời quý độc giả đón đọc!
Trân trọng!
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Ms Vũ Na: 097 823 3492; (04) 3 77 11 756(04) 3 77 11 756
Email: vunathuysan@gmail.com ; phqc@thuysanvietnam.com.vn
hoặc đăng ký trực tiếp qua link sau:
Đăng ký đặt mua Thủy sản Việt Nam
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.