(TSVN) – Xuất bản ngày 16/9/2023
Thưa quý vị bạn đọc!
Mỹ luôn nằm trong nhóm thị trường lớn nhất của Việt Nam nói riêng và ngành nông sản nói chung. Việt Nam xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ năm 2022 đạt khoảng 13 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, mặc dù là quốc gia sản xuất nông sản lớn nhưng Mỹ đồng thời cũng là quốc gia tiêu dùng và nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Với dân số 338 triệu người, hằng năm Mỹ nhập khẩu trên 200 tỷ USD các loại nông, lâm, thủy sản để đáp ứng nhu cầu trong nước. Các sản phẩm Mỹ nhập khẩu lớn là cà phê, ca cao, rau quả tươi và chế biến, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Chuyến thăm Việt Nam từ ngày 10 – 11/9/2023 vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden được đánh là “mang tính lịch sử” với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về thương mại thủy sản giữa hai quốc gia trong thời gian tới. Để có thêm thông tin về vấn đề này, mời quý độc giả đón đọc bài viết với chủ đề “Thị trường Mỹ: Triển vọng sáng, doanh số tăng đột biến” trên Tạp chí Thủy sản số ra ngày 16/9.
Về sản xuất trong nước, theo các chuyên gia, để vượt qua khó khăn trước mắt và duy trì xuất khẩu thì các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại một cách hợp lý; chủ động cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng. Cùng với đó, tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Hơn bao giờ hết, ngành thủy sản cần các cấp, ngành, các thành phần trong chuỗi cung ứng cùng chung tay thực hiện giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn của năm 2023 – 2024. Trong đó, tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc liên quan thị trường, đồng thời triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, các địa phương hiện nay vẫn còn chậm thúc đẩy nuôi biển. Bởi, cái khó đó là nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn còn ngại tiếp nhận cái mới, ngại thay đổi chuyển giao khoa học công nghệ. Do đó, phải làm sao để thay đổi cách tiếp cận, giúp người dân chủ động đổi mới hơn. Ngoài ra, mùa mưa lũ tại miền Trung và miền Nam đang tới gần, cần bám sát tình hình thời tiết, môi trường để sớm có những cảnh báo kịp thời, giúp người nuôi chủ động chuẩn bị mùa vụ cho phù hợp.
Với lĩnh vực khai thác, cả nước hiện đang ở giai đoạn nước rút trong việc nhanh chóng giải quyết những cảnh báo về “thẻ vàng” IUU. Nhiều giải pháp được áp dụng và triển khai trong đó có việc ghi nhật ký khai thác điện tử, giúp ngư dân thuận lợi trong quá trình đánh bắt trên biển, khắc phục được những nhược điểm của việc chép nhật ký bằng giấy. Hoạt động này không còn mới, song để triển khai sâu rộng thì vẫn cần thời gian thích ứng và chuyển đổi, góp phần thay đổi tư duy từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá có trách nhiệm”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo các đơn vị cần rà soát lại, triển khai nhật ký khai thác tàu cá từ cảnh báo đến trực, bộ máy, thiết bị đều gắn với IUU. Việc phối hợp giữa Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư cần phải chặt chẽ; lãnh đạo phải kiên trì, kiên quyết, tập trung tổ chức thực hiện xuyên suốt, cần xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm khi chưa bổ sung nhật ký điện tử.
Ngoài ra, trên số báo phát hành kỳ này, Tạp chí cũng giới thiệu đến độc giả những thông tin về xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới, công nghệ áp dụng trong nuôi trồng hay hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản… Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập