(TSVN) – Xuất bản ngày 16/09/2022.
Thưa quý vị bạn đọc!
Đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo nền kinh tế thế giới, giao thương thủy sản cũng không thể tránh khỏi những tác động trực tiếp. Hậu COVID-19, khi thế giới mở cửa lưu thông trở lại, “dòng chảy” thương mại ngành hàng này cũng đã xoay chiều. Theo đó, nhiều hoạt động giao thương, giới thiệu quảng bá sản phẩm cũng dần sôi động trở lại.
Theo Bộ Công thương, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều hoạt động quan trọng đã được thực hiện như tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam Expo 2022; tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự các hội chợ, triển lãm lớn và uy tín tại nước ngoài (như Hàn Quốc, Dubai, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha…). Như chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại UAE, Tuần lễ quảng bá nông sản xuất khẩu và ẩm thực Việt Nam tại UAE (12 – 22/9/2022), với gần 100 sản phẩm nông sản, thực phẩm được giới thiệu cùng với gian hàng ẩm thực riêng của Việt Nam. Chương trình này thể hiện mong muốn và nỗ lực của Đại sứ quán cũng như đại siêu thị Lulu trong việc quảng bá trái cây nhiệt đới, rau, hải sản và các sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam sang thị trường UAE nói riêng và thị trường khu vực GCC nói chung, là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, kết nối với các đối tác và người tiêu dùng khu vực. Còn theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, trong thời gian tới, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương và đưa ra khuyến cáo giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Đó là hoạt động xuất khẩu còn với lĩnh vực NTTS, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2010 – 2020, việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong lĩnh vực NTTS đã có sự chuyển biến rõ nét thông qua sự tăng vọt về năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa chỉ giới hạn trong phạm vi một vài đối tượng chủ lực với trang thiết bị, máy móc chủ yếu là nhập khẩu. Để giải bài toán này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đưa ra khuyến nghị, cần xây dựng vùng NTTS tập trung, quy mô lớn để đáp ứng yêu cầu và tăng cơ hội ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất. Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến Luật Đất đai trong việc dồn điền đổi thửa. Các địa phương rà soát quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung, quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến, cung ứng vật tư. Đầu tư hạ tầng đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho cơ sở nuôi ứng dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất – bảo quản – chế biến – vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Để tìm hiểu thêm về nội dung này, bạn đọc có thể theo dõi bài viết với chủ đề “Cơ giới hóa trong NTTS: Con đường tất yếu để nâng cao tính cạnh tranh” trên Tạp chí số ra ngày 16/9.
Ngoài ra, trong kỳ phát hành này, Thủy sản Việt Nam cũng đề cập đến hoạt động của các doanh nghiệp lớn trong ngành, những giải pháp được doanh nghiệp đưa ra để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và một số mô hình nuôi đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập