(TSVN) – Xuất bản ngày 16/10/2021.
Thưa quý vị bạn đọc!
Trong 9 tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, bộ, ngành và cùng sự quyết tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng; tiếp tục khẳng định là “trụ đỡ” bền vững của nền kinh tế; nhất là trong bối cảnh chịu tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19.
Tốc độ tăng giá trị gia tăng khu vực nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng đạt 2,74%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,32%; lâm nghiệp tăng 3,30%; thủy sản tăng 1,41%; toàn ngành đang nhanh chóng triển khai các giải pháp linh hoạt để nhanh chóng về đích. Để sớm hoàn thành mục tiêu của năm 2021, việc nhanh chóng mở cửa nền kinh tế nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng là hết sức cấp bách. Như nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, mở cửa phải nhanh chóng, rõ ràng, thống nhất và phân tích thêm ở vùng nông nghiệp, thủy sản quốc gia là ĐBSCL. Theo đó, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phối hợp kiến tạo không gian phục hồi, cả hai cùng là chủ thể phát triển, không còn một bên quản lý và một bên bị quản lý. Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và xã hội cùng hoạt động hài hòa trong vùng ĐBSCL và với các vùng khác. Cùng với đó là những giải pháp để tăng sức “đề kháng” cho doanh nghiệp, bởi đây là nhân tố rất quan trọng trong việc phục hồi sản xuất, khi mà đại đa số các doanh nghiệp đã thực sự “thấm đòn” trước tác động của đại dịch thời gian qua; để có thể tận dụng được tốt nhất, hiệu quả nhất “thời cơ vàng” về thị trường tiêu thụ trong ba tháng còn lại của năm. Những thông tin này đã được những người trong cuộc phân tích, nhận định cũng như đưa ra một số giải pháp thích hợp trong nội dung Tiêu điểm trên số báo phát hành ngày 16/10 của Tạp chí.
Bên cạnh đó, để giúp tạo những cơ chế, điều kiện cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung trong đó có thủy sản phát huy hết được tiềm năng thế mạnh, mới đây, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nội dung chiến lược, sẽ là “đòn bẩy” và cơ hội thu hút đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nâng cao thương hiệu vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoài ra, trên số báo này, Tạp chí cũng đề cập đến một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL đó là chính là mô hình tôm – lúa, đây là hướng sản xuất mang tính bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và tạo sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trong khu vực. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần có những giải pháp dài hơi hơn để có thể nâng tầm giá trị tôm – lúa. Cùng đó là những diễn biến về tình hình thủy sản trong nước quốc tế, các khoa học công nghệ đang được các doanh nghiệp ứng dụng rất hiệu quả trong thực tiễn sản xuất… Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập