(TSVN) – Xuất bản 01/11/2022.
Thưa quý vị bạn đọc!
Việt Nam có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha; trong đó, nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha; nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo 79.790 ha; nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha. Mặc dù, rất giàu tiềm năng cho sự phát triển, nhưng theo Tổng cục Thủy sản, thực tiễn sản xuất cho thấy, nuôi biển nói chung và cá biển nói riêng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo đó, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, liên kết tạo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ mới, tiếp sức bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước…; là những bước đi cần thiết để nâng tầm nghề nuôi biển theo hướng công nghiệp, phát triển bền vững. Nội dung này đã được phản ánh sâu sắc qua loạt bài viết trên chuyên mục Tiêu điểm & Sự kiện trên Tạp chí số ra ngày 1/1/2022, mời quý độc giả đón đọc.
Về diễn biến tình hình sản xuất một số đối tượng chủ lực của ngành thủy sản như tôm và cá tra thời gian qua cho thấy, đối với mặt hàng tôm, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, với ngành tôm dư địa để tăng diện tích không còn, chỉ còn tăng năng suất. Thế nhưng cần phải kiểm soát con giống vì có nhiều khâu bất cập, cần có kiểm soát, thanh, kiểm tra chặt chẽ, không ngừng nâng cao chất lượng con giống. Mặt khác, việc cấp mã số vùng nuôi tôm giúp truy xuất nguồn gốc đang gặp nhiều khó khăn bởi Luật đất đai. Sắp tới Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn, để sản phẩm sớm có thể truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Với ngành cá tra, theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cá tra trong tháng 10/2022 ước đạt 183 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu trong 10 tháng năm nay lên 2,06 tỷ USD, tăng 76,5% so cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, dự kiến xuất khẩu cá tra sẽ đạt hơn 2,5 tỷ USD, thiết lập một cột mốc lịch sử mới cho ngành cá tra Việt Nam. Năm 2023 sắp tới dự kiến sẽ vẫn là năm khá thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra. Cùng với lệnh cấm vận với sản phẩm thủy sản Nga, các nước EU tiếp tục tìm kiếm sản phẩm thủy sản thay thế, trong đó có các sản phẩm đến từ Việt Nam.
Ngoài ra, trên số báo phát hành kỳ này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng giới thiệu đến bạn đọc một số mô hình hiệu quả trong nuôi trồng và khai thác như mô hình ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản thủy sản trên tàu cá, hay hỗn hợp tỏi, quế cải thiện sức khỏe và tăng trưởng của tôm… Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập