(TSVN) – Xuất bản ngày 1/12/2021.
Thưa quý vị bạn đọc!
11 tháng đầu năm, ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn, thì hoạt động sản xuất và chế biến thủy sản trên đà hồi phục do nhiều địa phương đã trở về trạng thái “bình thường mới…; trở thành điểm sáng của toàn ngành nông nghiệp. Báo cáo của VASEP cho thấy, tính đến hết tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%; trong đó, tôm đạt 3,2 tỷ USD tăng 2,6%, cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ đạt 594 triệu USD tăng 9,5%, mực bạch tuộc đạt 475 triệu USD tăng 4,5%. Hiện nay, nhịp độ sản xuất và xuất khẩu tại các doanh nghiệp ngành tôm đã tăng tốc trở lại khi giá tôm ở mức cao và dự báo sẽ còn ổn định đến tận quý I/2022; cùng đó thị trường nhập khẩu được phục hồi với sức mua tăng cao. Đây được đánh giá là thời điểm “vàng” để ngành tôm gia tăng xuất khẩu.
Các chuyên gia đều nhận định ngành thủy sản Việt Nam dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sẽ vẫn phát triển trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022 dựa vào nền tảng là các nước châu u và Mỹ đang dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại; các nhà nhập khẩu tăng cường nhập hàng để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ tăng; lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường, giữ được đà tăng trưởng của xuất khẩu.
Tuy nhiên, trên lĩnh vực khai thác thủy sản lại phải gánh chịu thêm sức ép mới đến từ đợt tăng giá xăng dầu từ sau ngày 26/10 đến nay. Điều này khiến cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân khó càng thêm khó, khi có rất nhiều tàu cá phải nằm bờ dài ngày. Ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa cho biết, điều quan trọng hiện nay là phải có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo đảm cuộc sống ổn định cho ngư dân. Giải pháp tối ưu là phải nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết giữa ngư dân – doanh nghiệp thu mua – quản lý nhà nước – nhà khoa học. Trong đó, lấy ngư dân – doanh nghiệp là trọng tâm để phát triển kinh tế.
Những vấn đề trên đã được phân tích cụ thể tại các chuyên trang, chuyên mục chính trên ấn phẩm số ra ngày 1/12/2021; cùng đó, Tạp chí cũng giới thiệu về mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE rất hiệu quả tại tỉnh Khánh Hòa thời gian qua cùng những kỹ thuật và quy trình trong nuôi tôm, cá. Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập