(TSVN) – Xuất bản ngày 16/02/2022.
Thưa quý vị bạn đọc!
Mặc dù còn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hoạt động của ngành nông nghiệp nói chung trong đó có lĩnh vực thủy sản cũng hết sức tất bật. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động; cùng đó nông dân, ngư dân cũng tích cực bắt tay vào mùa vụ với những kỳ vọng cho năm mới thắng lợi.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 1/2022 ước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước. Thống kê, nhóm nông, lâm, thủy sản đóng góp khoảng 2,67 tỷ USD, tăng 21,4% so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng trong nhóm này có mức tăng cao, như: thủy sản đạt 870 triệu USD, cà phê đạt 395 triệu USD; hạt tiêu đạt 71 triệu USD…
Khí thế ra quân lao động sản xuất sôi nổi, hào hứng trong những ngày đầu năm mới ở các doanh nghiệp thủy sản khu vực ĐBSCL cũng là không khí chung cho lĩnh vực nông nghiệp sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là dấu hiệu sản xuất thuận lợi đầu năm, tạo động lực để các doanh nghiệp quyết tâm giành thắng lợi trong năm 2022. Cùng với đó, thời điểm này, hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh, thành ven biển vươn khơi đánh bắt xuyên Tết đã cập các cảng cá, mang về cá, tôm đầy ắp khoang tàu. Với ngư dân vùng biển, đây được xem là “lộc biển” đầu Xuân, báo hiệu một năm mới thuận lợi, đủ đầy. Và sau những thành quả thu về, các ngư dân lại tất bật chuẩn bị cho một hành trình vươn khơi mới.
Dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín đều đánh giá, nền kinh tế của Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại cao ở mức 6% đến 6,5% vào năm 2022 trong bối cảnh mà dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ tiêm chủng được phủ rộng. Cùng với đó là hàng loạt chính sách “kích cầu” của Chính phủ dành cho sự phục hồi, cũng như hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề. Điển hình là Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Trong đó, với lĩnh vực nông nghiệp, “trụ đỡ” của nền kinh tế cũng được chú trọng đầu tư phát triển khi Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đề ra mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế từng địa phương.
Những nội dung này đã được Tạp chí Thủy sản Việt Nam phản ảnh đậm nét trên số báo phát hành ngày 16/2/2022. Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập