(TSVN) – Xuất bản ngày 1/3/2022.
Thưa quý vị bạn đọc!
Những ngày này, trên khắp các vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh… không khí mùa vụ khá nhộn nhịp. Từ việc cải tạo, nâng cấp mô hình nuôi cho đến khâu lấy nước, xử lý nước, thả giống, thậm chí có những diện tích thả sớm đang chuẩn bị thu hoạch lứa tôm đầu tiên.
Để có được một vụ mùa thắng lợi, Tổng cục Thủy sản đề nghị: Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố rà soát kế hoạch sản xuất và nhu cầu con giống để có giải pháp chuẩn bị đủ con giống, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm. Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, lưu thông và xử lý nghiêm các vi phạm trong sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh không được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản. Thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi tôm theo quy định. Bên cạnh việc hướng dẫn người nuôi tuân thủ yêu cầu kỹ thuật trong cải tạo ao, đầm, vệ sinh lồng bè, các địa phương cũng cần tăng cường quan trắc môi trường, kịp thời thông báo cho người nuôi biết thời điểm thích hợp nhất để đảm bảo hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản. Cùng đó, các nhà chuyên môn, doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo tới người nuôi một số giải pháp để gia tăng lợi nhuận, tiết giảm chi phí trong nuôi tôm. Các chia sẻ hữu ích này đã được Tạp chí Thủy sản Việt Nam thông tin đến bạn đọc qua bài viết “Bí quyết để có vụ nuôi thắng lợi” trên số báo ra ngày 1/3/2022 này.
Cùng với không khí nhộn nhịp trên các cánh đồng tôm thì với người nuôi cá tra khu vực ĐBSCL hiện cũng đang khấp khởi đón tin vui khi giá cá ở mức cao và thị trường tiêu thụ có nhiều thuận lợi. Như thông tin từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá cá tra trong nước luôn được các doanh nghiệp thu mua ở mức cao và hiện dao động quanh mức 30.000 đồng/kg và xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng dương trong tháng 1/2022. Còn về về thị trường cá tra năm 2022, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP lạc quan cho rằng, 4 thị trường chính của cá tra Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, EU, các nước CPTPP (chiếm 73,6%) đều có sự phục hồi tốt từ năm 2021 và sẽ còn tốt hơn trong năm 2022. Dự báo, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 sẽ tăng 20 – 22% và giá xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so năm 2021. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần hết sức thận trọng trước bài học kinh nghiệm “cung vượt cầu” trong những năm trước đây, nhằm đảm bảo cho ngành hàng này phát triển hiệu quả và bền vững.
Trong 2 tháng đầu năm 2022 này, cùng với tình hình nuôi trồng thủy sản khá thuận lợi thì hoạt động khai thác hải sản của ngư dân nhiều tỉnh, thành ven biển cũng rất khả quan, khi các tàu, thuyền trở về với các khoang tàu đầy ắp tôm, cá sau những chuyến vươn khơi xa nhất là với các ngư dân khai thác cá ngừ đại dương tại các tỉnh miền Trung. Như tại tỉnh Phú Yên, sau những chuyến bội thu “lộc biển”, hiện các tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân địa phương đang tiếp tục cập cảng. Sản lượng khai thác và giá cá ở mức ổn định nên ngư dân rất phấn khởi dù phải đón Tết muộn cùng gia đình. Theo ghi nhận, tổng sản lượng cá ngừ đại dương từ đầu năm 2022 đến nay do ngư dân tỉnh Phú Yên khai thác được là 35 tấn. Giá thu mua cá ngừ đại dương của thương lái ở mức cao là 145.000 đồng/kg (loại 1). Với sản lượng và giá thu mua này nhiều chủ phương tiện và ngư dân có thu nhập cao.
Ngoài ra, trên số báo phát hành lần này, Tạp chí cũng cập nhật hoạt động chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản trong 2 tháng qua, nhu cầu tiêu thụ của thị trường toàn cầu và những thông tin về kỹ thuật, mô hình nuôi hiệu quả. Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập