(TSVN) – Xuất bản ngày 1/5/2023.
Thưa quý vị bạn đọc!
Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 11,19 tỷ USD giảm 14,4% so cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, một số mặt hàng chủ lực giảm sâu, trở thành “nỗi lo” của ngành nông nghiệp. Trước tình trạng này, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng tối đa những hiệp định thương mại thế hệ mới để vượt khó, tạo bứt phá ở những quý sau.
Ngày 13/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với VASEP và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Tại đây đại diện VASEP đã đưa ra những kiến nghị để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Trong đó có kiến nghị Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông dân, ngư dân duy trì việc sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Hơn khi nào hết cần có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; để nâng cao “sức khỏe” cũng như tận dụng được những lợi thế từ thị trường. Nội dung này đã được phản ánh sâu sắc trong chuyên mục Tiêu điểm & Sự kiện trên số báo phát hành kỳ 1/5, mời quý độc giả đón đọc.
Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, từ ngày 25 – 31/5, Đoàn thanh tra Ủy ban châu u (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra công tác chống khai thác IUU lần thứ 4. Việc đánh giá của EC lần này được chia làm 2 phần: Phần thứ nhất là đánh giá chung về thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của châu u; phần thứ hai là đánh giá về tiến độ và cách xử lý một số vấn đề nghiêm trọng mà EC đã đưa ra. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến đợt kiểm tra, đề nghị các địa phương triển khai ngay công tác chuẩn bị sẵn sàng đón đoàn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã thể hiện qua công tác chỉ đạo, qua hành động và đạt được kết quả bước đầu rất khả quan. Giờ rất mong các địa phương hợp sức lại cả hệ thống chính trị để quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU trong thời gian gần nhất”.
Ngày 13/3, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MOA) ban bố lệnh cấm đánh bắt cá đối với nhiều vùng biển. Lệnh cấm đánh bắt áp dụng cho tất cả loại tàu cá, kể cả tàu phụ trợ nghề cá. Đối với khu vực có những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Lệnh cấm trái phép của Trung Quốc bắt đầu từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8. Theo Hội Nghề cá Việt Nam, đây là lệnh cấm lập lại đơn phương và phi lý của phía Trung Quốc, đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền và lợi ích biển, đảo của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế; trong đó, có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Nên ngày 21/4/2023, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam có Công văn số 36/HNC-VP gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao; Ban Đối ngoại Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương về việc phản đối phía Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông năm 2023.
Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau:
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập