Gần 4 tỷ USD xuất khẩu thủy sản trong 8 tháng đầu năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, tin của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Chưa kịp mừng thì VASEP cũng cho biết, Nhật Bản vừa quyết định kiểm tra toàn bộ các lô tôm của Việt Nam về Ethoxyquin. Ngày 4/9, VASEP gửi công văn tới Tổng cục Thủy sản đề nghị có biện pháp cấp thiết xử lý vấn đề.
Ethoxyquin là chất chống ôxy hóa thức ăn thủy sản, nhưng tồn dư trong tôm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nhật Bản quy định, dư lượng Ethoxiquin trong tôm cao nhất là 0,01 ppm, tương tự không có Ethoxyquin.
Nhật Bản từng kiểm tra gắt gao tôm Việt Nam về một số chất khác. Năm 2010 là Trifluralin, một chất có trong thuốc diệt cỏ được dùng xử lý nước và diệt ký sinh trùng gây bệnh cho tôm. Năm 2011 lại Enrofloxacin, một chất khánh sinh. Hai lần con tôm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản chịu nhiều sóng gió, và các doanh nghiệp Việt Nam đã tốn nhiều công của để vượt qua. Ngày 18/5/2012, đến lượt Ethoxyquin, Nhật Bản quyết định kiểm tra 30% số lô tôm từ Việt Nam.
Cũng đã có những dao động. Ngày 11/7, phát hiện Ethoxyquin trong lô tôm của một doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản quyết định kiểm tra 100% hàng của doanh nghiệp này và 30% hàng của các doanh nghiệp khác. Đến ngày 9/8, Nhật Bản gỡ bỏ việc kiểm tra 30%. Ngày 20/8, lại phát hiện một lô tôm nhiễm Ethoxyquin nên trở lại kiểm tra 30%, và ngày 31/8, nâng lên kiểm tra toàn bộ tôm nhập khẩu của Việt Nam.
Phần nào cũng do ta, như có doanh nhân nhận xét “tự ta làm hại ta”. Rõ ràng, đang thiếu sự đồng bộ, từ sản xuất thức ăn thủy sản, nuôi, chế biến đến cả các cơ quan quản lý. Nên VASEP kiến nghị, có quy định về hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản, chẳng hạn ngưỡng tối đa 0,5 ppm (trước đây 150 ppm) để dư lượng trong tôm ở mức 0,01 ppm hoặc không phát hiện được. Cũng có thể cấm sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản, thay bằng chất khác.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, sẽ tiếp tục đàm phán với Nhật Bản để tìm kiếm điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông cũng chỉ đạo Tổng cục Thủy sản tìm chất thay thế Ethoxyquin. Trung tâm Kiểm nghiệm, Khảo nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản cho biết, đã tìm ra chất Butylated Hydroxyl Anisole và Butylated Hydroxyl Toluence thay thế, nhưng có thể làm tăng giá thức ăn thủy sản.
Cửa ải Ethoxyquin rồi sẽ được vượt qua. Nhưng nảy sinh câu hỏi, sau Trifluralin, Enrofloxacin, Ethoxyquin còn chất gì nữa không? Trả lời câu hỏi này, chủ yếu phải là cơ quan quản lý Nhà nước và trả lời được thì các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng như cả ngành thủy sản mới đỡ bị động, lúng túng đối phó.