Ủy ban châu Âu (EC) vừa xác nhận đã ban hành cảnh báo “thẻ vàng” đối với Ecuador và thông báo tới đất nước Nam Mỹ này rằng, Ecuador cần tăng cường các hành động chống lại khai thác thủy sản phi pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Quyết định này chính thức được đưa ra vào ngày 30/10, dựa trên thiếu sót trong năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn đã đồng thuận theo luật quốc tế về biển như quốc hiệu, cảng và tên thị trường.
EC cho biết, Ecuador được khuyến khích đẩy mạnh các hành động nhằm đảm bảo nguồn thủy sản vào thị trường EU không bị cản trở do IUU. Đặc biệt, nước này cần phát triển hệ thống thực thi và xử phạt để giải quyết các vấn đề về IUU. Hơn nữa, cũng cần phải kiểm soát đầy đủ hoạt động của các nhà máy chế biến – đặc biệt là các nhà máy xuất khẩu sang E.U – là rất cần thiết.
Ảnh: Centraldapauta
EC cũng đã xác định các hạn chế trong khung pháp lý của ngành thủy sản Ecuador. Ủy viên EU về Môi trường, các vấn đề biển và nghề cá Karmenu Vella cho hay: “Ecuador là một đối tác thương mại thủy sản lớn. Chúng tôi có trách nhiệm lớn đối với người tiêu dùng EU để đảm bảo rằng, hoạt động nhập khẩu thủy sản từ Ecuador chỉ đến từ các nguồn thủy sản hợp pháp. Chúng tôi mong các nhà chức trách Ecuador sẽ tăng cường nỗ lực và triển khai thực hiện các cải cách cần thiết để chống lại IUU. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Ecuador để giải quyết các vấn đề đã xác định và nâng cao các tiêu chuẩn quản lý nghề cá”.
“Thẻ vàng” không ảnh hưởng đến thương mại giữa EU và Ecuador, nhưng hành động này như một lời cảnh báo rằng, EU đang xem xét các hành động tiếp theo, và mức cao nhất là “thẻ đỏ”, điều này sẽ dẫn đến việc cấm các sản phẩm hải sản của Ecuador vào thị trường EU.
EC đã liệt kê các vấn đề sau đây trực tiếp dẫn tới quyết định ban hành thẻ vàng đối với Ecuador:
– Khung luật pháp hiện hành của Ecuador đã lỗi thời và không phù hợp với các quy định khu vực và quốc tế áp dụng cho bảo tồn và quản lý các nguồn lực khai thác thủy sản;
– Thực thi pháp luật bị cản trở do khung pháp lý lỗi thời này, thủ tục hành chính không hiệu quả và cách tiếp cận quá khoan dung với các vi phạm. Hệ thống xử phạt không tước đoạt quyền lợi của những người phạm tội từ các lợi ích thu được từ việc đánh bắt IUU, đồng thời cũng không ngăn chặn được các hành động này;
– Có những thiếu sót nghiêm trọng về mặt kiểm soát; đáng chú ý là các hoạt động của ngành công nghiệp chế biến và đánh bắt cá ngừ;
– Những thiếu sót này làm suy yếu độ tin cậy của hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên việc chứng nhận tính hợp pháp của các sản phẩm khai thác;
EC cho biết sẽ tiến hành đánh giá tiếp theo về Ecuador trong 6 tháng, khi đó sẽ đo lường các nỗ lực của Ecuador trong tiến trình giải quyết các thiếu sót đã được xác định.