EU kêu gọi cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa để chống ô nhiễm môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong phiên họp thứ 4 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) tại Ottawa (Canada), EU đã đưa ra đề xuất cấm một số sản phẩm nhựa để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn cầu.

Theo thống kê của Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF), những thiệt hại do nhựa gây ra cao hơn gấp 10 lần so với chi phí sản xuất ra nhựa. WWF dự đoán, nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực hạn chế sản xuất, chi phí phải trả cho khắc phục hậu quả ô nhiễm nhựa sẽ lên tới 7.100 tỷ USD/năm, tương đương với 6.520 tỷ euro. 

Theo nhiều bằng chứng khoa học, giảm sản xuất nhựa là cách duy nhất để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường. Nhóm môi trường Greenpeace đang hoàn thành kế hoạch hành động với mục tiêu giảm 75% sản lượng nhựa vào năm 2040. 

Trước tình hình đó, tại phiên họp, EU đã đưa ra lời kêu gọi thiết lập thỏa thuận về quy tắc giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa bằng các lệnh cấm đối với một số sản phẩm nhất định; đồng thời nâng cao thiết kế sản phẩm, quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất sản phẩm. Quy tắc mới này đề ra các yêu cầu pháp lý ràng buộc trong suốt vòng đời của các sản phẩm nhựa, từ khâu sản xuất polymer đến quản lý chất thải và khâu xử lý cuối cùng. EU cũng đề xuất trong tương lai cần áp dụng hạn chế hoặc loại bỏ sử dụng một số sản phẩm nhựa. Việc cố ý thêm vi nhựa vào các sản phẩm cũng nên bị cấm.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất nhựa lại cho rằng phải mất nhiều thời gian để đưa các hạn định này áp dụng vào thực tế, bởi các vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường nhưng lại có giá thành cao và tiêu tốn nhiều năng lượng, điều này có tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất.

Để huy động sự hỗ trợ, EU đang tích cực tham gia vào các Liên minh bảo vệ môi trường và triển khai các kế hoạch hành động bảo vệ môi trường, giảm thải rác thải nhựa nhằm chấm dứt tình trạng này. Hiện, đã có 65 quốc gia cam kết đặt mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040. EU sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán.

Văn bản cuối cùng của Hiệp ước về ô nhiễm nhựa toàn cầu dự kiến sẽ được ký kết trong phiên họp thứ 5 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) vào tháng 11 – 12/2024. 

Lan Khuê

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!