FAO đặt câu hỏi về việc mở rộng lĩnh vực bột cá ở Tây Phi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong một báo cáo mới đây, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã đặt nghi vấn trong việc mở rộng hoạt động chế biến bột cá của Trung Quốc và châu u ở Tây Phi.

Báo cáo “Tác động kinh tế xã hội và sinh học của ngành công nghiệp thức ăn từ cá đối với châu Phi cận Sahara” cho biết ngành này đang đặt ra nguy cơ đối với an ninh lương thực trong khu vực và mang lại ít lợi ích kinh tế xã hội.

Bản báo cáo chỉ ra ngành công nghiệp bột cá và dầu cá ở Tây Phi đang có “tác động tiêu cực đáng kể” và kết luận rằng, trong toàn khu vực, ngành công nghiệp này đã góp phần vào việc khai thác quá mức nhiều loài cá mà cộng đồng địa phương phụ thuộc vào, điều này đe dọa an ninh lương thực và công ăn việc làm của người dân, trong khi lợi ích xã hội vẫn còn hạn chế.

Báo cáo đã được ủng hộ bởi một số nhóm vận động, bao gồm Tổ chức Hòa bình xanh châu Phi, những tổ chức trước đây đã lên tiếng chỉ trích việc đánh bắt quá mức và đánh bắt bất hợp pháp của các tàu nước ngoài hoạt động ở Tây Phi.

Cá được phơi khô để làm thành bột cá tại châu Phi. Ảnh: Tổ chức Hòa bình xanh

Đại diện Tổ chức Hòa bình Xanh cho biết: “Ví dụ, ở Senegal, khoảng cách giữa cung và cầu đối với cá sẽ đạt mức 150.000 tấn/năm vào một thời điểm nào đó trong thập kỷ này, điều này dẫn đến giá tăng cao. Và trong khi, ở lần khảo sát cuối cùng, các nhà máy sản xuất bột cá ở Senegal chỉ sử dụng 129 công nhân cố định và 264 công nhân tạm thời, thì có tới 600.000 công nhân trong lĩnh vực đánh bắt thủ công”.

Ông Aliou Ba, Nhà vận động Đại dương cấp cao của Tổ chức Hòa bình xanh châu Phi kêu gọi chấm dứt các giấy phép bột cá mới trong khu vực và loại bỏ dần bất kỳ nhà máy nào hiện có sử dụng loại cá này cho con người.

“Chúng tôi đang nói tới thảm họa, và đây là bằng chứng. Các chính phủ Tây Phi, EU và Trung Quốc phải hành động ngay bây giờ. Chính phủ của chúng tôi đã tạo ra một mô hình kinh tế mang lại lợi ích cho những người giàu có ở các nền kinh tế phát triển, hơn là cho chính người dân của địa phương. Họ cần phải thay đổi điều đó ngay bây giờ. Bất kỳ hình thức phát triển nào cũng nên đặt người dân châu Phi vào trung tâm. Các quốc gia Tây Phi nên loại bỏ những ngành công nghiệp hủy diệt này và thực hiện trách nhiệm của mình để duy trì an ninh lương thực, công ăn việc làm và hạnh phúc của người dân”, ông Aliou Ba khẳng định.

Minh Anh

Theo SFS

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!