(TSVN) – Sản lượng rô phi của Trung Quốc và Ai Cập đang thiếu hụt nghiêm trọng do chi phí sản xuất tăng, trong khi các nước khác như Brazil nắm bắt cơ hội này để mở rộng thị phần.
FAO dự báo thị trường rô phi toàn cầu năm 2024 ổn định. Ảnh: freepik
Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), mặc dù một số nhà sản xuất lớn có dấu hiệu chững lại, nhưng thị trường cá rô phi toàn cầu đang tương đối ổn định. Các “ông lớn” như Trung Quốc và Ai Cập đang vật lộn với chi phí đầu vào tăng cao và thị trường lao động yếu kém, dẫn tới sản lượng thấp hơn so với dự kiến, nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, một số quốc gia như Brazil, Đông Nam Á và Nam Á, bao gồm Indonesia và Thái Lan đang nỗ lực tận dụng cơ hội này để gia tăng sản xuất và mở rộng thị phần.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Thủy sản có trách nhiệm tổ chức tại thành phố Saint John, thuộc tỉnh New Brunswick, Canada hồi tháng 10/2023, chuyên gia phân tích Gorjan Nikolik dự báo sản lượng rô phi toàn cầu năm 2024 có thể đạt 7 triệu tấn. Cùng với đó, FAO cũng cho rằng tuy sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, bao gồm thiên tai, tỷ lệ thả giống giảm và giá thức ăn tăng cao, nhưng Trung Quốc vẫn sẽ là nguồn cung rô phi lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Indonesia – nhà sản xuất lớn thứ hai – sẽ tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa, nhưng cũng lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu.
Ai Cập, quốc gia sản xuất rô phi lớn nhất châu Phi và đứng thứ ba toàn cầu, đặt mục tiêu tới năm 2025 sản lượng rô phi vượt 3 triệu tấn; mặc dù khó khăn về kinh tế, bao gồm lạm phát và sự thiếu hụt ngoại tệ, đang là thách thức vô cùng lớn đối với họ.
Do dịch bệnh gần đây nên sản lượng rô phi tại Columbia được dự đoán sẽ giảm 5% xuống còn 120.000 tấn trong năm 2024, khiến nước này phải gia tăng các biện pháp an ninh sinh học.
Năm 2023, xuất khẩu rô phi của Trung Quốc sang Mỹ – thị trường lớn nhất – giảm đáng kể cả về khối lượng và giá trị, nhưng thương mại sang các quốc gia khác như Cote d’Ivoire, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia tăng trưởng ấn tượng.
Trên thực tế, thị trường Mỹ nhìn chung đang bị suy yếu dưới áp lực của lạm phát, dẫn tới nhập khẩu rô phi giảm dần qua các năm. Báo cáo của FAO viết: “Do tỷ lệ lạm phát gia tăng và giá thực phẩm ngày càng cao, thị trường nhập khẩu rô phi của Mỹ bắt đầu giảm từ nửa đầu năm 2023. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), Mỹ nhập khẩu 86.500 tấn rô phi trong 6 tháng đầu năm 2023, trị giá 326 triệu USD, giảm 7% về khối lượng và 15% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; trong đó khối lượng phi lê ướp lạnh giảm 4% và phi lê đông lạnh giảm 7%, nhưng rô phi nguyên con đông lạnh tăng 12%. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên xuất khẩu rô phi của Brazil giảm đáng kể; tuy nhiên xuất khẩu phi lê ướp lạnh sang Mỹ Latinh tăng mạnh, đặc biệt tại thị tường Mỹ và Nhật Bản”.
An Vy
(Theo Undercurrentnews)