FTA và cơ hội của ngành tôm Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Việt Nam sẽ có hàng loạt FTA với các nước, khu vực như EU, Nga… cùng các hiệp định như TPP, FTA Việt Nam – EU. Các nhà xuất khẩu đều tin những thị trường tiềm năng và có nhu cầu nhập khẩu tôm, thủy sản của Việt Nam.

Cẩn thận với sản phẩm

FTA sẽ giúp hàng hóa Việt Nam “danh chính ngôn thuận” ở nhiều quốc gia, như những mặt hàng được ưu đãi; điều đó kích thích không nhỏ đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng. Song, nó cũng tạo hiệu ứng ngược lại; người ta sẽ xăm soi nhiều hơn đối với hàng Việt Nam.

Một trong những vấn đề được quan tâm đầu tiên sẽ là chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn cử, thị trường Hàn Quốc miễn thuế cho tôm Việt Nam nhưng có hạn ngạch và điều đó sẽ dẫn đến việc đầu thầu hoặc san sẻ hạn ngạch dựa trên tiêu chí chất lượng.

 

Ảnh: An Đăng

Vấn đề những hàng rào vô hình cũng được các doanh nghiệp quan tâm, chẳng hạn vấn đề các chất cấm và hàm lượng tồn dư kháng sinh của hàng hóa FTA sẽ bị đặt ra cao hơn nhiều so với sản phẩm khác. Nhiều doanh nghiệp cho rằng vào FTA phải đầu tư rất nhiều cho công nghệ; bởi vậy chi phí, giá thành tăng, có thể hơn 18%. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tìm thị trường mới, như  Úc. Năm 2014, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Úc trên 231 triệu USD, tăng 24% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó, tôm chiếm trên 60% tổng lượng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về nhập khẩu tôm vào Úc. Do vậy sức hấp dẫn từ FTA còn là dấu hỏi.

 

Thận trọng với thị trường

Xuất khẩu thủy sản quý I/2015 giảm nhiều so với năm 2014 đã phản ánh sự khó khăn không nhỏ trong năm nay. Riêng mặt hàng tôm giảm 30%. Song, đánh giá của một số nhà phân tích thì do tình hình kinh tế thế giới chưa tốt lên đáng kể nên nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu của nhiều nước bị suy giảm nghiêm trọng chứ không riêng gì Việt Nam. Đánh giá từ những hoàn cảnh khó khăn của thị trường thế giới trong thời điểm hiện nay, thì việc thực hiện FTA mang tính tích cực nhiều hơn. Những thị trường như Hàn Quốc chẳng hạn, sẽ giúp con tôm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường.

Vào FTA, Việt Nam giải quyết được một trong hai vấn đề nan giải nhất, đó là giá. Lâu nay, tôm Việt Nam bị bất lợi vì thuế, đặc biệt thuế chống bán phá giá; FTA sẽ giúp tôm Việt Nam hưởng lợi về giá và được công nhận bình đẳng như sản phẩm từ các thị trường uy tín nhất. Tuy vậy, cũng do vào FTA, Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề thứ hai là vấn đề chất lượng. Đơn cử như khi hưởng FTA vào Hàn Quốc, để đấu thầu, cạnh tranh, để có thị phần trong số hạn ngạch, các doanh nghiệp sẽ phải chứng minh được chất lượng sản phẩm của mình.

Xét toàn cục, việc miễn giảm thuế nhờ FTA sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng lợi nhuận và sử dụng nó vào việc phát triển vùng nuôi, tăng chất lượng, đổi mới công nghệ, từ đó sẽ đáp ứng được yêu cầu cao của các thị trường tự do. Bởi vậy, thực hiện FTA cũng chính là quá trình thuận lợi để tái cơ cấu và phát triển ngành tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung.

>> Với FTA vừa được ký kết, Hàn Quốc sẽ tự do hóa 97,2% giá trị hàng nhập từ Việt Nam. Cắt giảm thuế đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hàn Quốc đặc biệt cam kết miễn thuế mặt hàng tôm Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên 15.000 tấn/năm.

Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!