(TSVN) – Thống kê sơ bộ tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 tính đến ngày 20/9/2024, bão số 3 (bão YAGI) đã làm thiệt hại khoảng 23.595 ha nuôi trồng thủy sản.
Theo báo cáo sơ bộ của địa phương các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An (tính đến ngày 20/9), tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 23.595 ha. Riêng diện tích nuôi tôm nước lợ thiệt hại 8.104,14 ha, thuỷ sản nước ngọt bị ảnh hưởng do ngập lụt 14.241 ha; diện tích nuôi nhuyễn thể và thủy sản khác là 4.070,20 ha; số lồng bè bị thiệt hại khoảng 4.592 ô lồng (khoảng 154.680 m³). Trong đó, ô lồng nước ngọt khoảng 1.772 ô lồng và ô lồng nước mặn 2.820 ô lồng. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng 2.503,045 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu năm, Bộ NN&PTNT, Cục Thủy sản đã ban hành các văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản năm 2024, tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn năm 2024; tăng cường quản lý lồng bè trên sông hồ chứa nước ngọt và Quyết định số 982/QĐ-TCTS-KTTS ngày 28/10/2016 về việc ban hành hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú, neo đậu và giải pháp bảo vệ ao, đầm, lồng, bè nuôi trồng thủy sản khi có bão, áp thấp nhiệt đới.
Ngay khi bão số 3 vào Biển Đông, Cục Thủy sản đã ban hành Công điện số 02/CĐ-BCHTS ngày 3/9/2024 của Ban chỉ huy chuyên ngành thủy sản gửi Ban Chỉ huy PCTT Sở/Chi cục Thủy sản NN&PTNT các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi về việc ứng phó với Bão số 3; văn bản 1744/TS-NTTS ngày 05/9/2024; văn bản số 1747/TS-KTTS ngày 6/9/2024 về đôn đốc, hướng dẫn ứng phó với Bão số 3.
Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác tham mưu Lãnh đạo Bộ NN&PTNT làm việc tại các địa phương để chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão số 3 (Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương). Tổ chức trực ban 24/24 theo dõi cập nhật thông tin dự báo thời tiết diễn biến và hướng di chuyển của bão trên hệ thống giám sát tàu cá VMS để có chỉ đạo các tàu, thuyền trong vùng nguy hiểm vào nơi tránh trú bão. Phối hợp với địa phương nắm thông tin tình hình khu vực sản xuất ương dưỡng giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 3 (các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh). Tham mưu Bộ NN&PTNT Ban hành công văn số 6661/BNN-TS ngày 9/9/2024 và công văn số 7090/BNN-TS ngày 20/9/2024 gửi các tỉnh phía Bắc về việc khẩn trương tổ chức các giải pháp khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau bão số 3.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc, nhiều khu vực bị cô lập do lũ lụt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Ngay sau đó, Bộ NN&PTNT, Cục thủy sản đã có Thư ngỏ gửi các Công ty, doanh nghiệp chung tay ủng hộ, hỗ trợ ngư dân phục hồi sản xuất. Mới đây nhất, ngày 18/9/2024, Cục Thủy sản đã có Công văn số 1831/TS-GTATS gửi Sở NN&PTNT các tỉnh về việc khẩn trương chỉ đạo, tổ chức đánh giá nhu cầu và khả năng cung ứng giống thủy sản, khôi phục sản xuất thủy sản sau thiên tai do bão số 3.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ một số giải pháp để khôi phục nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới. Ảnh: Thùy Khánh
Về một số giải pháp trước mắt, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, Cục đã liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu làm lồng bè, con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại. Tính đến ngày 20/9/2024, các mạnh thường quân, doanh nghiệp, công ty ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống chất xử lý cải tạo môi trường nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ với số tiền tương đương là 84.605.000.000 đồng thông qua các hình thức hỗ trợ như tiền mặt, giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ khôi phục sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, Cục Thủy sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện Nghiên cứu Hải sản hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng để quan trắc cảnh báo môi trường và hướng dẫn khôi phục sản xuất. Trong thời gian tới, Cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các địa phương thống kê đầy đủ thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Bắc, đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng bị ảnh hưởng do bão, kịp thời thông tin tới người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo người dân khôi phục sản xuất sớm. Tiếp tục kết nối các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại. Tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi, sẵn sàng thả giống khi điều kiện cho phép.
Về giải pháp lâu dài để khôi phục nuôi trồng thủy sản sau bão, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, Cục sẽ rà soát lại các vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại và khôi phục sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, kiên quyết di dời các cơ sở nuôi ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường. Rà soát, dự báo ngư trường; hướng dẫn ngư dân đi khai thác trên biển hiệu quả để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Thùy Khánh