PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV tại TP Hải Phòng… Ông đã dành phần lớn cuộc đời mình nghiên cứu, đồng hành với biển, đảo, ngư nghiệp (nghề cá) và ngư dân.
Phóng viên (PV): Thưa PGS. TS Nguyễn Chu Hồi! Xin ông cho biết tầm quan trọng của ngành thủy sản nói chung, phát triển bền vững ngư nghiệp, cụ thể là nghề cá biển nói riêng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và an ninh, quốc phòng biển?
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Nghị quyết số 36-NQ/TƯ, khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ngày 22/10/2018) đã xác định thủy sản là một trong 6 ngành kinh tế biển then chốt cần ưu tiên phát triển theo hướng bền vững.
Sau 35 năm đổi mới, thủy sản luôn đóng góp quan trọng trong thị phần xuất khẩu của cả nước với giá trọ kim ngạch xuất khẩu tang hằng năm. Trong đó, trên 60% là những đóng góp từ nghề cá biển, bao gồm khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản nước mặn, nước lợ ven biển. Không chỉ đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, nghề cá biển cũng đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm công ăn việc làm, an ninh thực phẩm nội địa, duy trì một lượng protein đạm động vật cần thiết cho người dân.
Với khoảng 120 nghìn tàu thuyền đánh cá, trong đó có hơn 10 nghìn tàu đánh cá xa bờ với hàng nghìn ngư dân hang ngày hoạt động rộng khắp trên các vùng biển, đảo là những “cột mốc sống” trong thực hiện “chủ quyền dân sự” trên các vùng biển của Tổ quốc. Và ngư dân cũng là lực lượng không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển.
PV: Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ngành thủy sản nói chung; ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường nói riêng đang bị tác động bởi nhiều yếu tố, đúng không thưa PGS. TS?
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Bên cạnh những đóng góp về kinh tế và an ninh, quốc phòng, nghề cá nước ta cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hiện đại hóa nghề cá. Trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu và nhân tai trên Biển Đông có chiều hướng gia tăng đã tác động xấu đến nghề cá, ngư trường (môi trường và nguồn lợi thủy sản) và đến chính cuộc sống của hơn 2 triệu ngư dân nước ta. Đặc trưng cơ bản của nghề cá nước ta là tồn tại song song giữa nghề cá nhỏ và nghề cá thương mại (nghề cá lớn) với đội tàu đánh cá nhiều về số lượng nhưng 80% là tàu nhỏ. Trong khi ngư dân vẫn ra biển đánh cá với kinh nghiệm “cha truyền con nối”, tổ chức sản xuất theo “dòng tộc”, trang thiết bị tàu thuyền còn lạc hậu, phương thức đánh bắt còn thủ công…Chưa có tập đoàn đánh cá hiện đại với khả năng thu hoạch và chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng cho các mặt hàng thủy sản, để tiết kiệm và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ảnh minh họa
Nhận thức của ngư dân về pháp luật về biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghề cá bền vững và có trách nhiệm còn hạn chế. Cho nên hiện tượng đánh bắt bất hợp pháp (IUU) vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn cho dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhất là bộ đội Hải quân đã tích cực tuyên truyền cho ngư dân về Chỉ thị 45 của Chính phủ. Hiện nay, EU chưa dỡ bỏ thẻ vàng nên nguy cơ thẻ đỏ vẫn còn hiện hữu. Các tình huống phức tạp xảy ra hàng ngày ở những vùng biển khơi là ngư trường truyền thống của ngư dân ta; lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ban hành hàng năm của nước ngoài,… đã tác động xấu đến hoạt động khai thác, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của ngư dân. Đại dịch COVID-19 đang tác động khác nhau vào chuỗi cung ứng thủy sản; an sinh với ngư dân lại bị đe dọa, cộng với tình trạng nguồn lợi thủy sản bị giảm sút do đánh bắt quá mức, do hủy hoại các hệ sinh thái ven biển và do biển tiếp tục bị “đầu độc” bởi các vật chất, chất thải không qua xử lý, bao gồm rác thải nhựa,…
PV: Vậy thời gian tới, theo PGS. TS cần có những giải pháp nào để từng bước ổn định tình hình, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững?
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Để phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta cần có các chính sách đặc thù để giải quyết đồng bộ ba vấn đề: ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường (tam ngư). Đây là những phạm trù khác hẳn về bản chất so với ba vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn (tam nông). Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thủy sản đồng thời với việc sớm ban hành “Luật sử dụng biển”, rà soát sửa đổi Luật đất đai.Tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật và đưa các chính sách vào cuộc sống hàng ngày của ngư dân và doanh nghiệp nghề cá. Bảo tồn, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển kết hợp với ngăn chặn và sớm chấm dứt hiện tượng đánh bắt cá bất hợp pháp ở nước ngoài và trong các vùng “cấm đánh bắt” được pháp luật nước ta quy định.
Áp dụng phương thức đồng quản lý nghề cá nhỏ và nguồn lợi thủy sản, xây dựng các cộng đồng ngư dân có khả năng tự quản, tự điều chỉnh dựa trên việc phát huy các giá trị văn hóa “vạn chài”. Rà soát hoàn chỉnh Nghị định số 67 gần đây để ngư dân được tiếp cận trực tiếp nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; chú trọng chính sách bảo hiểm, bảo hộ khi ngư dân gặp rủi ro thiên tai và nhân tai nhằm khuyến khích ngư dân bám biển, đảo. Chấm dứt tình trạng tàu đánh cá nằm bờ, có những chính sách cụ thể tách biệt giữa chính sách với nghề cá nhỏ và nghề cá thương mại. Hỗ trợ pháp lý và thông tin liên lạc cho các tàu thuyền đánh cá, hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch, hiện đại hóa đội tàu và đào tạo lại nguồn nhân lực nghề cá, ưu tiên con em ngư dân. Tổ chức tốt “đội hình ra biển” để bảo đảm có thể hỗ trợ nhanh chóng cho nhau khi hoạt động trên biển, để ra biển với tư thế mới tâm thức mới, thực hiện kế mưu sinh và góp phần hiện diện dân sự trên Biển Đông.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS. TS Nguyễn Chu Hồi!