T3, 27/09/2022 12:21

Gấp rút đưa tàu thuyền vào nơi an toàn tránh bão Noru

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Báo cáo tại cuộc họp ứng phó với bão Noru sáng nay (27/9), Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho biết đây là cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây, phạm vi ảnh hưởng rất rộng; 9/14 tỉnh, thành phố miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp. Cùng với việc di dời người dân trên đất liền, công tác đảm bảo an toàn cho tàu cá cũng được thực hiện gấp rút.

Theo dự báo, đến 19 giờ tối 27/9, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 170 km về phía Đông Nam, cách Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 120 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 15, giật trên cấp 17, chỉ dưới một cấp so với siêu bão. Sau thời điểm này, bão giữ hướng đi và vận tốc, tiến vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ. 7 giờ sáng 28/9, tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 – 12, giật cấp 15.

Dự báo của chuyên gia cho biết, khoảng đêm nay đến sáng 28/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 12 – 13. Sóng biển cao 3 – 5 m, vùng gần tâm bão 6 – 8 m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng 3 – 4 m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và sóng lớn, đặc biệt khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định.

Tàu cá neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: tintuc.vn

Để ứng phó với cơn bão, những ngày qua, các địa phương đã hướng dẫn gần 58.000 tàu thuyền với khoảng 300.000 lao động di chuyển, tránh trú; gia cố, di dời 4.500 lồng bè thủy sản; lên kế hoạch và tiến hành sơ tán trên 100.000 hộ với gần 400.000 dân tại các vùng nguy cơ cao.

Tại cuộc họp khẩn sáng sớm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, ven biển, cửa sông, nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu.

“Khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú, kêu gọi ngư dân không đánh bắt trong những ngày này; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ học sinh, khách du lịch; bảo vệ di sản, nhất là phố cổ Hội An; ứng phó với áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tại cuộc họp với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết đến nay gần như toàn bộ diện tích lúa và 85% diện tích thủy sản đã được thu hoạch. Còn 3 tàu thuyền dự kiến thoát khỏi vùng nguy hiểm lúc 10 giờ.

Tại Bình Định, lãnh đạo phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn cho biết 9 tàu của phường đã vào nơi tránh trú an toàn. Còn tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị có hơn 660 tàu thuyền các loại của huyện đã vào khu neo đậu an toàn, không còn ngư dân trên biển.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trên biển còn 9 tàu đang di chuyển về phía Nam vào nơi an toàn, nhưng 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phải quyết liệt, tích cực hơn bởi không loại trừ khả năng bà con sẽ đánh bắt khi thấy cá nhiều do bão.

Trước đó, báo cáo của lãnh đạo địa phương cho thấy, đến 15 giờ 30 ngày 26/9, tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng) có hơn 4.000 tàu của ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế vào neo đậu, tránh bão. Với các phương tiện nhỏ, ngư dân thuê xe cẩu lên những vị trí cao ráo để tránh bão chi phí 300.000 đồng/thuyền.

PV 

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!