Sò huyết đầm Ô Loan nuôi sống hàng vạn dân 5 xã quanh đó. Nguồn sống này gắn với chuỗi ngày triền miên mưu sinh vất vả. Ai theo nghề gắp sò đều phải ngày ngày ngâm mình hai phần ba thời gian trong nước…
Dị nhân làng sò huyết
Về đầm Ô Loan (Tuy An, Phú Yên) những ngày cuối tháng ba, khi mùa sò huyết dậy. Dòng người lũ lượt kéo nhau ra đầm, gắp sò đổi cuộc sống sung túc.
Trên chiếc ghe máy vừa thuê được, chúng tôi hì hục sau 1 giờ mới đến được “thủ phủ” sò huyết. Tại đây, độ bùn nếu đặt bàn chân đứng thấu có thể lún sâu nửa mét; tuy nhiên, thợ gắp sò chỉ chớm trên mặt bùn và vẫy cả tay chân theo con nước mới có thể tìm thấy con sò huyết dậy đi ăn. Bất ngờ vì thấy hai bàn tay ngoi trên mặt nước của anh Võ Văn Sơn (34 tuổi, thôn 8, xã An Ninh Đông) mới gặp hôm trước. Anh nói: “Chúng tôi, thợ gắp sò trên đầm Ô Loan này, ai cũng có thể được gọi “dị nhân” rồi. Từ sáng sớm có mặt trên đầm, chiều về bờ bán sò; nơi nào sò xuất hiện nhiều, nơi đó có chúng tôi”.
Đôi mắt “bọ cạp nước”
Chị Nguyễn Thị Lý, 30 tuổi, nói: “Mùa sò dậy, cả làng đổ ra đầm để mò, tuy không nhiều như ngày trước nhưng cũng không ai phải về không. Trên nắng dưới nước, dầm mình cả ngày, cũng lo sức khỏe về sau, nhưng vì miếng ăn hàng ngày mà không bỏ được nghề này. Trong làng, thường gọi nhau với tên khác; ra đầm, tất cả đều thành bọ cạp nước. Người gắp sò lâu năm có thể tránh tai nạn dưới nước; người mới tập đều phải đổ máu trong mỗi chuyến tất bật dưới đầm.
Chị Nguyễn Thị Mơ cười méo miệng: “Thấy con gái làng sò khổ chưa. Người ta chân trắng, nõn nà, không trầy xước; chúng tôi thì chân đen, nham nhở vết cứa bởi sò, hàu. Con gái gắp sò chỉ lấy được đàn ông gắp sò thôi, không dám mơ trai làng bên đâu”. Trong màn sương, nước đầm nuốt chửng gần hết thân người, chỉ thấy những mặt người di chuyển dập dềnh theo làn nước. Chị Mơ pha trò, “chúng tôi được ví như những con bọ cạp nước, đôi chân gắp sò trở thành cặp mắt chính, mỗi khi đặt chân xuống đầm”.
Theo kinh nghiệm người gắp sò, mặt nước ban sáng còn lành, bùn chưa bị xáo nên dễ tìm được sò huyết. Anh Võ Văn Sơn 15 năm gắp sò huyết trên đầm Ô Loan, nói: Gắp sò phải có kỹ xảo mới thắng được; sò huyết nằm dưới bùn, chỗ nào có bùn pha cát nhiều, chỗ đó có vựa sò huyết.
“Bọ cạp nước” bắt sò huyết trên đầm Ô Loan
Mỗi ngày, người cao (lội được chỗ nước sâu) có thể gắp được 3 – 5 kg sò huyết. Dân gắp sò ngâm mình dưới nước từ sáng đến tối, ai chưa được nửa thau sò chưa đành lòng ra về. Bao dòng nước trong, đục, lạnh, nóng họ đều chịu được. Sò huyết phải gắp bằng chân, người gắp sò phải cao, có đôi chân nhanh nhạy, dẻo dai mới gắp được sò trong mặt bùn. Dụng cụ gắp sò chính là đôi chân, chân là “mắt” lặn tìm sò trong biển nước.
Sò huyết giá trị kinh tế cao, là nguồn sống chính của dân 5 xã bãi ngang huyện Tuy An. Thôn 8, xã An Ninh Đông có hơn 95% dân số sống bằng nghề gắp sò huyết, được người đời gọi là làng sò huyết.
Đổi đời nhờ sò huyết
Dân hai xã An Ninh Đông và An Hải chủ yếu sống nhờ gắp sò huyết đã bao đời nay. Không ai biết sò huyết trên đầm Ô Loan có từ bao giờ, chỉ biết từ ngày người ta đi gắp sò, bán sò thì nơi đây hình thành làng sò; người nhiều tuổi nhất còn sống cũng đã hơn 40 năm hành nghề. Sò đổi cơm, gạo; sò mua nhà, xe; sò là con chữ của con em…
Chuẩn bị lên đường đi săn sò huyết
Ông Nguyễn Văn Ba (70 tuổi, thôn 8, An Ninh Đông) gắn với đầm Ô Loan từ nhỏ đến giờ. Đầm Ô Loan không nơi nào ông không tới; không gắp sò cũng bắt cá, mò cua. Thế nhưng ông vẫn khẳng định sò huyết là nghề chính của ông và con cháu ông sau này. “Gắp sò từ tuổi đôi mươi, bao nhiêu con sò trong đầm nước lên tay tui không tính hết. Người thợ gắp sò chỉ tính theo con nước, thời tiết để hình dung khu vực sò dậy đi ăn. Thành công chỉ là vậy”.
Nhờ sò huyết, cuộc sống người dân khấm khá dần. Những ngôi nhà mái ngói kiên cố mọc lên. Con trẻ hân hoan đến trường. Chị Nguyễn Thị Vui (40 tuổi, thôn 8, An Ninh Đông) nói: “Người dân nơi đây sống nương vào đầm, vào con tôm mớ cá trên đầm, nhưng bấp bênh qua ngày. Từ khi sò huyết có giá, dân nơi đây mới ngẩng đầu lên được. Gắp được con sò cực khổ nhưng có cái ăn cái mặc; nhà lầu, xe máy cũng từ sò mà ra”.
Ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy An, nói: Sò huyết xuất hiện nhiều tùy theo thời tiết; những năm có lũ lụt, cửa biển mở nhiều lần thì năm đó hàng vạn dân xung quanh đầm thắng lớn, với sự xuất hiện của sò huyết dày đặc trên đầm.
>> Năm nay sò huyết vừa được mùa vừa được giá, bán 100.000 – 200.000 đồng/kg. Mỗi ngày, thợ gắp sò ở đầm Ô Loan mang về 300.000 – 500.000 đồng, có nhà đi đông mang về cả triệu đồng. |