GAP tiến sâu vào vùng tôm – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

5 năm nay, vùng tôm – lúa ở một số tỉnh ĐBSCL tích cực áp dụng GAP trong nuôi trồng, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GAP, hữu cơ, là nền tảng để xây dựng thương hiệu gạo cho vùng lúa và tôm – lúa ĐBSCL.

Lợi ích kép

Sản xuất tôm – lúa là tạo ra sản phẩm sạch, an toàn theo tiêu chuẩn Việt GAP, GAP, hữu cơ sẽ nâng cao giá trị hàng hóa cho cả tôm và lúa. Hệ thống canh tác tôm – lúa hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm, không tạo mâu thuẫn trong sử dụng nước; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí tượng, thủy văn.

PGS – TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Tiềm năng, lợi thế phát triển hệ thống canh tác tôm – lúa ĐBSCL rất lớn, quy mô có thể đến 200.000 ha. Hiện, diện tích tôm – lúa ĐBSCL đã khoảng 160.000 ha, dự kiến đến năm 2015 đạt 180.000 ha; năm 2020 khoảng 200.000 ha, sẽ góp thêm khoảng 800.000 tấn lúa vào tổng sản lượng của vùng.

Lúa gạo trong vùng sản xuất tôm – lúa còn gắn với ý chí và tính thích nghi cao của cư dân, trở thành tập quán sinh sống và tạo nên những làng nghề truyền thống trong tương lai. Từ năm 2004 đến nay, 32 hộ dân 2 ấp Rạch Sâu và Xẻo Cạn, xã cù lao Long Hoà, huyện Châu Thành (Trà Vinh) đã tham gia sản xuất lúa sạch theo phương pháp hữu cơ trên diện tích 20 ha. Lúa của nông dân được Công ty TNHH Dịch vụ – Du lịch Hồng Tín (Tp. Hồ Chí Minh) bao tiêu toàn bộ, giá cao hơn giá thị trường khoảng 30%. Mô hình này, ngoài tăng giá trị lợi nhuận trên cùng diện tích từ tôm – lúa, còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Tôm – lúa áp dụng VietGAP giúp nâng cao giá trị sản phẩm – Ảnh: Trần Út

Bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre nói: Luân canh tôm – lúa là mô hình bền vững, ổn định, cần nhân rộng. Con tôm, hạt lúa đều sạch do không dùng thuốc BVTV nhiều nên chất lượng cao. Bến Tre hiện có hơn 6.500 ha luân canh tôm – lúa, năng suất lúa 4 – 4,5 tấn/ha; sản lượng tôm nuôi trung bình 350 – 400 kg/ha/năm, tăng 20 – 30% so đồng đất nuôi chuyên tôm không trồng lúa.

Trong đó, mô hình xen canh tôm càng xanh – lúa đã phát triển khoảng 380 ha, luân canh tôm thẻ chân trắng – lúa hoặc tôm sú 6.269 ha; giúp nhà nông khai thác hiệu quả cả nguồn nước trong hai mùa mặn và ngọt. Giá trị hàng hóa trên cùng diện tích đều tăng, lợi nhuận trồng lúa 13 – 14 triệu đồng/ha, thu nhập từ nuôi tôm càng xanh 20 – 24 triệu đồng/ha; nâng tổng thu nhập của mô hình tôm – lúa lên 33 – 38 triệu đồng/ha.

 

Mở rộng và hướng đến xuất khẩu

Để đảm bảo mô hình này phát triển bền vững và cho ra sản phẩm “sạch”, rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền về cơ chế, chính sách cho nông dân, để đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo VietGAP, GAP… Cần quan tâm chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo nhằm đảm bảo lợi nhuận cho nông dân sản xuất lúa “sạch”.

PGS – TS Phạm Văn Dư cho biết: Việc khai thác, phát huy sản xuất lúa – tôm cần được tiếp tục, với định hướng rõ về quy hoạch vùng, giống lúa, chất lượng tôm và khai thác các hoạt động sản xuất khác (như rau, màu, thủy sản) để tăng thu nhập cho người sản xuất. Trong đó cần chú ý thời vụ, chất lượng giống lúa, phương pháp canh tác theo VietGAP, GAP và xây dựng thương hiệu vùng sản xuất lúa – tôm.

Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã quy hoạch diện tích tôm – lúa thì theo đó phát triển cho phù hợp. Long An, Tiền Giang, Trà Vinh chưa quy hoạch thì cần sớm làm, để có kế hoạch và đầu tư cho sản xuất. Khi đã có quy hoạch vùng lúa – tôm thì cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các loại GAP khác, gạo hữu cơ.

Thương hiệu gạo còn phải mở rộng với thị trường xuất khẩu. Mỗi tỉnh chọn một địa chỉ sản xuất lúa thuận lợi với những giống lúa đặc biệt hoặc đặc sản; cùng doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu theo định hướng VietGAP, GAP hoặc hữu cơ…, trên cơ sở xây dựng cánh đồng mẫu lớn; xây dựng thương hiệu gạo và tìm đối tác, thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài.

Diện tích sản xuất tùy theo mức độ và thị trường tiêu thụ, khởi điểm có thể 50 ha và mở rộng dần theo lộ trình phát triển thương hiệu. Sở NN&PTNT cùng đơn vị chuyên môn nên phối hợp chặt với doanh nghiệp tiêu thụ gạo, xây dựng chương trình, dự án kết hợp kinh phí từ hai nguồn nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu và thương hiệu gạo.

>> Phát triển sản xuất tôm – lúa bền vững tận dụng đất, nước và sử dụng tối ưu các nguồn lực, sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần làm phong phú nguồn nông sản xuất khẩu và tăng  giá trị hàng hóa.

Hải Triều

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!