T2, 06/07/2020 10:55

“Gặt” giải thưởng nhờ thuần hóa cá vược

Chưa có đánh giá về bài viết

28 tuổi, Trương Văn Trị (ảnh) trở thành Giám đốc Công ty TNHH Giống Thủy sản Hải Long (tỉnh Thái Bình). Ít ai biết, để có vị trí này, anh đã phải đổ bao công sức cho cuộc thuần hóa cá vược từ cá biển thành cá nước ngọt.

Thăng trầm khởi nghiệp

Tốt nghiệp Trung cấp Thủy sản Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), Trương Văn Trị vào làm việc tại một công ty nuôi tôm. Ở đây, anh may mắn được làm việc với nhiều kỹ sư giàu kinh nghiệm. Ít lâu sau, anh xin chuyển sang Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, trên đảo Cát Bà, để có điều kiện học hỏi, nghiên cứu nhiều hơn nữa. Tháng 11/2005, anh quyết định về quê (xã ven biển Nam Chính, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) lập nghiệp.

Từ bé đã biết con cá vược, cộng với kiến thức học được trong 2 năm ở trường trung cấp và trải nghiệm thực tế tại các nơi kể trên, anh chọn con cá vược để khởi sự, quyết tìm ra quy trình thuần hóa loài cá này nuôi trong nước ngọt.

Với số vốn 4 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách huyện Tiền Hải, do tổ chức Đoàn đứng ra tín chấp, Trị nhận thầu gần 1 ha đất bãi bồi ven sông Kiến Giang (xã Nam Cường) chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Nhiều người bảo Trị hâm, bởi đó là cồn bãi “ma thiêng”, ban ngày cũng chẳng mấy ai bén mảng tới. Cồn đó lại dễ ngập nước sau mỗi trận mưa lớn… Mặc những lời châm chích, Trị vẫn cầm đơn lên xã. Thấy ý tưởng của Trị táo bạo nhưng có cơ sở khoa học, Chủ tịch xã ủng hộ ngay.

Gần 1 tháng sau, cồn bãi ma thiêng đã được Trị dọn sạch. Tiếp đến là đào ao. Một mình đào mấy ngày chỉ được một vũng nhỏ, Trị nghĩ: “Cách này không ổn”. Và rồi… “Tôi đã nghĩ nhanh, muốn sản xuất gạch phải có nguyên liệu đất sét, khi đào ao thì đất sét thừa rất nhiều. Vậy nên tôi đến gặp Giám đốc Công ty Xây lắp của huyện Tiền Hải, đặt vấn đề hợp tác. Thế là tôi không mất tiền đào ao mà còn được thêm khoản tiền để tu sửa, gia cố bờ bao xung quanh và xây thêm một ngôi nhà mái bằng 30 m2 ngay tại trại nuôi cho tiện trông nom” – Trị kể.

Đầu năm 2006, huy động từ người thân, bạn bè… được 20 triệu đồng, Trị nhập 10.000 con cá vược giống nguồn gốc Thái Lan về ươm. Mẻ đầu, do chưa biết cách thuần, cá chỉ còn sống 1.000 con, bán được 3 triệu đồng, lỗ 17 triệu đồng, chưa kể thức ăn và công chăm sóc. Không nản, anh ươm mẻ thứ hai, với 10.000 con; tỷ lệ chết 60%. Sau một tháng, bán 3.000 con cá giống, để lại 1.000 con nuôi cá thịt. Chỉ hòa vốn nhưng học được nhiều kinh nghiệm.

Kiên trì thuần hóa, đến cuối năm 2006, tỷ lệ cá chết chỉ còn 15 – 20%. Qua năm 2007, có đến 90% số cá vược sống được trong môi trường nước ngọt.

 

Đón nhận thành công

Sau nhiều lần vượt lên thất bại, Trương Văn Trị trở thành người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công quy trình thuần hóa và nuôi thành công cá vược thương phẩm trong nước ngọt hoàn toàn, hiệu quả kinh tế cao. Năm 2008, anh lập Công ty TNHH Giống Thủy sản Hải Long tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, với tâm niệm xây dựng thương hiệu cá vược Hải Long.

Khu sản xuất, ương nuôi cá của Công ty

Từ 1 vạn con cá giống ban đầu, đến nay trang trại Trương Văn Trị đã xuất hơn 1 triệu con giống đi nhiều tỉnh, thành phố. Trang trại 10 ha, lãi hơn 10 tỷ đồng/năm. Ngoài cá vược, Trị còn khá “mát tay” với các con giống giá trị kinh tế cao (như ngao, cá sủ, cá vây vàng).

Trương Văn Trị đã học tiếp để lấy bằng Đại học Nông nghiệp. Từ số vốn 4 triệu đồng, đến nay anh đã có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Năm 2009, anh được nhận giải thưởng Sao Thần Nông, Tài năng trẻ, tại hội nghị Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc và giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam. Năm 2010, anh được dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc và nhận Bằng khen của Thủ tướng. Tháng 3/2011, Trung ương Đoàn chọn anh là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2010.

>> Giám đốc Trương Văn Trị cho biết: Công ty Hải Long có thể sản xuất được nhiều sản phẩm khác, nhưng hiện nay vẫn tập trung nhiều vào cá song chấm nâu, sủ sao, vược, bống bớp… Công ty cũng đang có chương trình “Đồng hành cùng người thu nhập thấp”, hỗ trợ người nuôi bằng cách cho nợ 40% tiền giống, tư vấn kỹ thuật trong quá trình nuôi, sau đó mua lại sản phẩm.

Nam Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!