(TSVN) – Tổng thống Ghana, Nana Addo Dankwa Akufo-Addo, đã thông qua một dự án mới nhằm cung cấp các chương trình đào tạo, thiết bị và vốn cho 10.000 hộ nuôi trồng thủy sản tiềm năng trên khắp Ghana. Chương trình “Nuôi trồng thủy sản vì lương thực và việc làm” chính thức khởi động vào ngày 31/7 vừa qua.
Mục tiêu của chương trình là gia tăng sản lượng cá nuôi mỗi năm lên 20.000 tấn, tạo ra 60.000 việc làm trên toàn chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản và đóng góp 40 triệu USD vào GDP của cả nước. Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Phát triển Nuôi trồng Thủy sản Ghana, ông Mavis Hawa Koomson, cho biết chi phí cho mỗi hộ nuôi khi tham gia chương trình là 38.000 cedi (tương đương 2.444 USD).
Tổng thống Akuffo-Addo phát biểu: “Nuôi trồng thủy sản là một ngành có tiềm năng rất lớn. Là một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với vùng biển rộng lớn, chúng ta phải nỗ lực để khai thác các nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả. Chương trình “Nuôi trồng thủy sản vì lương thực và việc làm” được tổ chức để thực hiện điều đó. Bằng cách phát triển một ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, chúng ta đang đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra cơ hội việc làm, đặc biệt là cho giới trẻ”.
Ngài Tổng thống cũng nhấn mạnh rằng cá là một thực phẩm được sử dụng chủ yếu trong chế độ ăn uống của người Ghana, đóng góp đáng kể vào nhu cầu dinh dưỡng của quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại nhu cầu sử dụng cá của người dân Ghana đã vượt xa nguồn cung, dẫn đến việc phụ thuộc vào nhập khẩu, điều này làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối của Ghana.
Năm 2022, nhu cầu cá của Ghana là khoảng 1,3 triệu tấn, nhưng sản lượng khai thác trong nước chỉ đạt 657.000 tấn, quốc gia này buộc phải nhập khẩu khoảng 650.000 tấn cá với tổng giá trị 311 triệu USD để đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng. Chương trình đang diễn ra của Chính phủ Ghana nhằm đảo ngược xu hướng này bằng cách tăng cường sản xuất cá nội địa, giảm sự phụ thuộc vào cá nhập khẩu và giữ lại ngoại tệ quý giá cho các hoạt động quan trọng khác.
Tổng thống Ghana, Nana Addo Dankwa Akufo-Addo, khởi động Chương trình “Nuôi trồng thủy sản vì lương thực và việc làm”
Giáo sư Berchie Asiedu, Trưởng khoa Tài nguyên Thiên nhiên tại Đại học Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên nhận định, nếu sản lượng cá của quốc gia suy giảm, đến năm 2030 có thể dẫn đến tình trạng đói nghèo và suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Cá là nguồn protein động vật rẻ nhất và được tiêu thụ nhiều nhất ở Ghana, chiếm 60% lượng tiêu thụ và tăng từ 960 tấn (năm 2010) lên 1,1 triệu tấn (năm 2020). Lượng tiêu thụ cá bình quân đầu người đã tăng từ 24,2 kg/người lên 27,9 kg/người. Tuy nhiên, đến năm 2030, sản lượng cá nội địa chỉ đáp ứng được 43% nhu cầu, khiến nhiều người phải ăn ít cá hơn, với những tác động rõ ràng đến dinh dưỡng và an ninh lương thực.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác tin rằng mặc dù cảnh báo của Giáo sư Asiedu là một lời kêu gọi tăng cường sản xuất nuôi trồng thủy sản, ngành này vẫn đang có một số bước tiến nhất định, một phần nhờ vào sự phát triển của ngành cá da trơn. Ông Hanson Dzamefe, Giám đốc khu vực Bono của Ủy ban Thủy sản, lưu ý: “Sản xuất cá da trơn đang có những tín hiệu tích cực tại Ghana và chúng tôi sẽ sớm mở rộng sản xuất cá rô phi trong vài năm tới”. Kế hoạch “Phát triển nuôi trồng thủy sản quốc gia” tầm nhìn đến năm 2027 đặt mục tiêu gia tăng gấp đôi sản lượng cá da trơn, từ mức hiện tại là 132.000 tấn.
Oanh Thảo
Theo Thefishsite