(TSVN) – Khi nhiệt độ xuống thấp thời tiết biến động lớn, sức đề kháng của cá suy giảm nên cá dễ bị nhiễm bệnh. Để chủ động bảo vệ thủy sản nuôi, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết giá rét gây ra, người nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp dưới đây.
Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm nhất là những loài cá có khả năng chịu rét kém như: Cá chim trắng, cá rô phi, cá lóc… cần thu hoạch sớm trước khi rét đậm, rét hại xảy ra. Trong thời gian giá rét, không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi, nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng…
Ao chống rét cho cá những tháng mùa đông cần chọn ao kín gió, có diện tích từ 1.000 – 2.000 m2, ao hình chữ nhật, hướng Bắc – Nam, chọn đất pha cát ao sâu từ 2-2,5m, đáy ít bùn. Ao nuôi gần nguồn nước sạch, chủ động cấp và tiêu nước.
Mật độ cá thả: 20 – 25 con/m2. Chuẩn bị ao nuôi: tháng 10 và tháng 11 hàng năm, sau khi thu hoạch cá cần tháo cạn nước, bắt hết cá tạp trong ao, nạo vét bùn đáy, chỉ để lớp bùn <20 cm, phát quang bờ, san lấp các hang hố, tạo độ phẳng của đáy ao. Dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp, liều lượng dùng từ 10 – 12 kg/100 m2, rắc đều và phơi nắng 3-5 ngày. Cấp đủ nước vào ao đạt 1,8-2 m, dùng lưới chắn để lọc, không để cá tạp vào ao.
Trong 2 tháng trước khi vào mùa đông cần cho cá ăn đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho cá. Bổ sung thêm Vitamin C vào thức ăn với lượng 3 – 5 g/kg để tăng sức đề kháng. Định kỳ 15 ngày, xay tỏi trộn vào thức ăn phòng bệnh cho cá với lượng 1 kg tỏi/100 kg cá.
Che ao bằng bèo: Mặt ao có thể thả bèo tây, bèo ong hoặc bèo hoa dâu trong đó tốt nhất nên sử dụng bèo hoa dâu chiếm 2/3 diện tích ao về phía Bắc chắn gió (bèo được gom vào một góc ao tránh thả tràn lan che kín hết diện tích mặt ao, làm giảm độ thoáng của ao, gây thiếu ôxy cho cá).
Che ao bằng bạt nilon: Để tránh gió lùa đưa không khí lạnh làm nhiệt độ nước giảm thấp. Khi trời rét đậm dùng tre, gỗ và các vật liệu khác làm giàn trên mặt ao, che phủ kín bằng bạt nilon để tăng khả năng giữ nhiệt độ, đồng thời lắp máy sục khí tăng cường ôxy cho cá. Khi trời nắng ấm mở hai đầu bạt ra để ao được thông thoáng.
Làm sọt cho cá tránh rét: Các ao chống rét cho cá dồn về một góc ao về phía sâu nhất, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt cắm cọc dìm xuống đáy ao, lúc trời rét cá chui vào tránh rét (khi rơm rạ bị phân hủy vớt lên và thay lượt rơm rạ khác). Ngoài ra, cũng có thể dùng ống phi nhựa, bó thành bó dìm xuống ao để cá chui vào tránh rét.
Cần có chế độ chăm sóc thật đặc biệt, ngoài việc theo dõi thì phải cho ăn bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao và bổ sung Vitamin C vào khẩu phần ăn để các loài cá có đủ sức đề kháng bệnh tật cũng như khả năng chịu rét.
Thức ăn và chế độ cho cá ăn: Không dùng phân chuồng cho xuống ao (kể cả bón lót) vì mùa đông phân hủy chậm, dễ làm thay đổi môi trường nước gây nhiễm bệnh cho cá. Dùng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự phối chế, hàm lượng protein trong thức ăn bảo đảm tùy theo nhu cầu của mỗi loài cá.
Thức ăn để vào sàng và theo dõi thường xuyên để định số lượng cho phù hợp. Cho ăn lượng vừa đủ để tránh dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Những ngày nhiệt độ xuống thấp có thể giảm khẩu phần thức ăn hoặc ngừng hẳn. Trong mùa đông, tranh thủ những ngày nắng ấm cho cá ăn bổ sung. Nên cho cá ăn vào lúc trời ấm (buổi trưa) bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao, bổ sung Vitamin C để cá có đủ sức đề kháng và chịu rét. Khi nhiệt độ nước xuống dưới 18oC, ngừng cho cá ăn, không đánh bắt (sau khi trú đông cần cho cá ăn tích cực 10 – 15 ngày. Lượng cho ăn 3 – 5% trọng lượng cá trong ao).
Theo dõi mức nước trong ao thường xuyên để cấp nước bổ sung kịp thời, bảo đảm mực nước ổn định. Định kỳ 15 – 20 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay 25 – 30% lượng nước trong ao.
Cần chuẩn bị đủ vật tư, nguyên nhiên vật liệu chủ động cho phòng chống rét cho cá. Đối với những đối tượng nuôi thương phẩm đạt kích cỡ, khi nhiệt độ xuống quá thấp cần thu hoạch ngay tránh gây thiệt hại.
Cá chịu áp lực về nhiệt độ thường có thể bị bệnh nấm và các loại vi khuẩn tấn công. Hãy để ý những kiểm tra các dấu hiệu trên cá thường xuyên và điều trị bằng thuốc nếu cần.
Bích Hòa
(Tổng hợp)