(Thủy sản Việt Nam) – Hơn 1 tháng trước, sự đảo chiều bất ngờ của giá cá tra đã làm cho nhiều người nuôi “yếu tâm lý” ồ ạt kêu bán cá sau thời gian găm hàng. Chính sự bán cá đồng loạt của người nuôi đã khiến cho giá giảm mạnh hơn 4.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 22.800-24.500 đồng/kg tuỳ loại.
Giá cá tra giảm, nông dân lo lắng
Sau khi giá cá tra tăng đến mức kỷ lục trên 28.500 đồng/kg, nhiều nông dân nuôi cá tra dự đoán giá cá sẽ tiếp tục tăng cao vì nguồn cá tra nguyên liệu không còn nhiều. Tuy nhiên, khi giá cá có dấu hiệu chững lại thì nhiều người nuôi vội vàng bán cá ra làm cho giá cá giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa – xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hiện giá cá tra loại thịt trắng (trọng lượng từ 0,8-1 kg/con) có giá từ 24.000 đồng đến 24.500 đồng/kg, giảm từ 3.500-4.000 đồng/kg so với tháng trước; giá cá tra thịt vàng (trọng lượng từ 0,8-1 kg/con) có giá 22.800-23.500 đồng/kg, giảm từ 1.500-2.000 đồng/kg; cá tra thịt hồng (trọng lượng từ 0,8-1 kg/con) giá từ 23.000-23.300 đồng/kg, giảm trên 1.500-1.700 đồng/kg.
“Với mức giá này, người nuôi cá tra chỉ có lỗ hoặc huề vốn, bởi hiện nay giá thành sản xuất cá tra đã lên trên 22.000 đồng/kg chưa tính lãi suất ngân hàng. Nếu tính lãi ngân hàng hiện tại khoảng 1,66%/tháng trong 7 tháng nuôi thì giá thành đã đội lên 25.000 đồng/kg”, ông Nghĩa phân tích.
Ông Lê Thanh Dung – Chủ nhiệm HTX cá tra Hòa Hưng (Cái Bè, Tiền Giang) cho biết thêm: “Giá cá giảm, doanh nghiệp kỳ kèo không chịu mua nhằm ép giá, ép cỡ và kéo dài thời gian trả tiền. Nông dân nuôi cá đã khổ lại càng khổ hơn, bởi thời gian trả tiền càng kéo dài thì nông dân càng lỗ nặng do phải chịu lãi ngân hàng”.
Thời gian qua, mặc dù giá cá tra thương phẩm ở mức cao nhưng giá con giống, thức ăn tăng mạnh, cộng với việc khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nên nông dân nuôi cá chưa mạnh dạn đầu tư. Đến nay, giá cá tra nguyên liệu lại đang sụt giảm khiến người nuôi càng thêm lo lắng. Ông Nguyễn Văn Hai – xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) chia sẻ: “Tôi có ao nuôi cá tra trên 3.000m2 được thả giống trên 4 tháng nên còn hơn 2 tháng nữa cá mới tới lứa thu hoạch. Vậy mà các chi phí đầu vào như: chi phí thức ăn, công lao động, nhiên liệu… liên tục tăng, trong khi giá cá đang tuột dốc làm tôi lúc nào cũng đứng ngồi không yên”.
Giá cá tra “tuột dốc” khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Cần bình tĩnh để tự cứu mình
Theo Bộ NN&PTNT, hiện sản lượng cá tra nguyên liệu chỉ vừa đủ nhu cầu chế biến cá tra xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Do đó, cung – cầu không phải là vấn đề chính trong việc giảm giá cá tra thời gian qua, có chăng là chỉ xảy ra nhất thời.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, việc giảm giá cá tra thời gian qua hoàn toàn không phải là do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường nhập khẩu giảm, mà nguyên nhân là do một số doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra riêng tới lứa thu hoạch nên họ phải giảm mua cá ngoài, do đó giá cá có xu hướng dừng lại hay giảm nhẹ. Khi đó, một số người nuôi nhỏ lẻ, trước đó găm hàng chờ giá lên, nay hoảng hốt bán ra làm cho giá thực sự đi xuống. Chính thái độ lo lắng thái quá của người nuôi cá đã làm cho giá cá tra giảm mạnh trong thời gian qua. Biến động tiếp theo thị trường cá tra nguyên liệu phụ thuộc phần lớn vào thái độ của chính người nuôi cá, bởi trong bất kỳ ngành nào khi có biến động bất thường của thị trường sẽ có người tranh thủ thời cơ vụ lợi.
Để tránh những ảnh hưởng không tốt, người nuôi cá nên thận trọng, theo dõi tình hình, không nên tạo ra hiệu ứng kéo theo (giá tăng thì găm hàng, giá giảm thì ồ ạt bán ra) để khỏi rơi vào bẫy của các nhà đầu cơ. Nếu nhìn vào diễn biến thị trường thời gian qua, việc giá giảm này chỉ là nhất thời do thực tế giá cả đầu vào cho nuôi cá vẫn đang lên cao, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường vẫn ổn định, và nhu cầu cá tra nguyên liệu phục vụ các đơn hàng vào mùa Noel, Tết dương lịch cũng sắp tới.
Mặt khác, theo ông Dương Ngọc Minh – Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, nguyên nhân làm cho giá cá tra biến động trong thời gian qua còn do người nuôi thiếu thông tin thị trường. Bởi hiện nay, trọng lượng cá đạt chuẩn xuất khẩu cỡ 700 – 850gr/con, chỉ có 30% số còn lại là cỡ nhỏ. Tuy nhiên, khi thấy giá cá lên cao, nhiều người cố tình giữ cá lớn trên dưới 1kg/con với ước muốn lời nhiều, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp chỉ dùng cá cỡ này với tỉ lệ hạn chế, nên giá cá giảm.
Do đó, để ngành cá tra phát triển ổn định, bền vững và con cá tra thực sự trở thành sản phẩm mũi nhọn trong xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam thì cần phải bảo đảm có nguồn cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ và khách quan hơn cho tất cả các thành phần trong chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó góp phần tạo nên sự bình ổn giá từ khâu nguyên liệu cho tới xuất khẩu, hạn chế tối đa tình trạng “làm giá”, gây hại cho những người khác, nhất là người nông dân. Và điều đặc biệt là phải đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các mắt xích tham gia trong chuỗi sản xuất, từ người nuôi cá, người cung cấp cá giống, vật tư, doanh nghiệp và cả Nhà nước.
>> Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 7 trở đi, khi lượng cá đang thu hoạch hiện nay cạn dần, thị trường sẽ ổn định trở lại và chắc chắn giá cá tăng, vì ít nhất phải đến đầu năm sau mới có đợt cá thu hoạch.
THÀNH CÔNG