(TSVN) – Giá cước vận tải biển đang giảm mạnh, mang đến tin vui cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Điều này hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giao thương quốc tế của nước ta.
Cục Hàng hải cho biết, những ngày gần đây, giá cước vận tải biển liên tục giảm. Trung bình giá cước vận tải biển mỗi tuần đang giảm 3 – 4% và có xu hướng giảm dần, hiện tại so với tuần trước giá đã giảm khoảng 4%.
Trong khi đó, hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng biển tăng trưởng đột biến, đạt kỷ lục cao nhất 5 năm qua. Cụ thể, sản lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 501,117 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hàng container ước đạt 16,902 triệu TEUs, tăng 21% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây và cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm là 5,5%.
Giá cước vận tải biển đang giảm mạnh mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: ST
Gần đây, cước tàu biển trên các tuyến trọng điểm tăng cao. Có thời điểm giá mỗi container đi châu Âu khoảng 4.000 – 5.000 USD, hơn gấp đôi cuối năm ngoái. Cước tàu đi Mỹ tăng tương tự, lên mức 6.000 – 7.000 USD/container. Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng 1.000 – 2.000 USD/container. Cục Hàng hải lý giải, giá cước vận tải biển biến động theo cung, cầu của thị trường. Do nền kinh tế có độ mở lớn nên Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu, giá cước vận chuyển hàng hóa qua cảng vì thế không nằm ngoài xu hướng chung.
Theo đại lý vận tải, giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu… hiện nay vào khoảng 60 – 100 triệu đồng/container, giảm 1/3 so với mức giá đỉnh năm 2021 từ 230 – 300 triệu đồng/container. Giá cước chặng Việt Nam – Trung Quốc cũng đã giảm từ khoảng 30 – 50 triệu đồng/container xuống còn khoảng 8 – 15 triệu đồng/container.
Hiện nay, phần lớn chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam không trực tiếp trả cước vận tải nhưng việc giá cước tăng cao cũng buộc họ phải điều chỉnh giá của hàng hóa, ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh trên thị trường.
Do đó, Cục Hàng hải khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp ký kết hợp đồng lâu dài với các đối tác quốc tế để giảm tác động về giá cước. Các hiệp hội ngành hàng cần định hướng hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp thành viên, là đầu mối tập hợp hàng hóa từ doanh nghiệp để ký kết hợp đồng vận tải dài hạn, ổn định với hãng tàu, giảm thiểu rủi ro về biến động giá.
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, giai đoạn trước giá cước vận tải tăng đột biến chủ yếu do kẹt cảng và tình trạng thiếu nhân công ở những cảng lớn. Những khó khăn này đã được tháo gỡ. Giá cước dự báo sẽ tiếp tục ổn định.
Cục Xuất nhập khẩu cũng dự báo, thời gian tới, lượng tàu đóng mới cũng tăng lên làm tăng số chỗ trên tàu, do đó, điều này cũng làm cho giá cước hạ xuống. Dù giá cước giảm nhiều hiện tại, hầu hết các chặng giá đã hình thành mặt bằng giá mới cao hơn giai đoạn trước dịch bệnh khoảng từ 10 – 15%.
Hương Thảo