Trong quý I/2017, dù ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết, cùng với thời điểm Tết Nguyên đán nên đã ảnh hưởng không ít đến hoạt động đánh bắt của ngư dân. Ngay sau đó, giá dầu có chiều hướng tăng nên một lần nữa khiến ngư dân phải lựa chọn nhiều phương án khác nhau để tránh tổn thất.
Đối với ngư dân, thời tiết có tính chất rất quan trọng cho mỗi chuyến vươn khơi, nếu không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, phần lớn các thuyền công suất lớn lựa chọn phương án không tham gia khai thác vào trước tết mà tiến hành tu sửa tàu thuyền, ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm. Các tàu thuyền công suất nhỏ hoạt động tuyến bờ tham gia khai thác vào ngày mùng 2 tết, các tàu thuyền tuyến lộng, tuyến khơi tham gia khai thác vào ngày mùng 4 đến mùng 10 tết; một số tàu vây rút chì hoạt động tại vùng biển Trường Sa tham gia khai thác sau ngày 15 âm lịch.
Sản lượng trong quý I ước đạt 8.075 tấn, trong đó: Cá 4.750 tấn, tôm 305 tấn, mực 870 tấn, hải đặc sản 650 tấn, hải sản khác 1.500 tấn; đạt 14,2% so kế hoạch và bằng 100,4% so cùng kỳ năm 2016. Trong quý, tàu cá Phan Thiết vi phạm công tác bảo vệ nguồn lợi không đáng kể, 1 trường hợp tàu cá Phú Hài vi phạm khai thác sò lông trong thời gian cấm đã bị lực lượng thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản xử lý với tổng số tiền phạt là 8.000.000 đồng. Trong thời điểm hiện nay dù giá dầu có ít nhiều biến động ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác, nhưng các nghề hoạt động tuyến bờ, tuyến lộng, các thuyền nghề công suất lớn hoạt động tuyến khơi tham gia khai thác tại vùng biển Trường Sa và một số ngư trường truyền thống khác vẫn đạt sản lượng khá.
Ông Đỗ Đình Hưng (phường Đức Thắng) đã hoàn thành việc đóng mới tàu cá vỏ gỗ công suất 800 cv hoạt động nghề dịch vụ thủy sản, đã hạ thủy khai thác có hiệu quả. “Hiện nay, ngư dân lo lắng nhất vẫn là giá dầu chưa thật sự ổn định. Buộc lòng phải bám biển dài ngày hơn để đánh bắt, tránh tổn thất” – ông Hưng cho biết.
Cũng trong hoàn cảnh lo lắng trước giá dầu không ổn định, dù chỉ mới đưa vào khai thác vài chuyến biển, có lãi nhưng đối với ngư dân mà nói thì rõ ràng đó là nỗi lo chung. “Ai cũng muốn bám biển nhưng thời điểm đầu năm, thường ít đi vì thời tiết quá khó, thứ hai là giá dầu chông chênh quá, lạng quạng lỗ” – ông Mạnh (Phú Hài) cho biết.
Thành phố Phan Thiết hiện có 1.740 tàu cá/256.935 cv; bình quân 147,7 cv/chiếc. Trong đó tàu cá có công suất từ 20 cv trở lên 1.500 chiếc/254.257 cv (loại từ 90 cv trở lên 872 chiếc/226.335 cv); tàu cá có công suất dưới 20 cv 240 chiếc/ 2.678 cv. Hiện nay, một số địa phương như UBND phường Đức Long đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ có liên quan của 3 chủ phương tiện tham gia đấu tranh bảo vệ quyền, chủ quyền biển đảo được UBND thành phố huy động. UBND các phường, xã nghề cá rà soát các chủ phương tiện có đủ điều kiện thực hiện cơ chế thí điểm chính sách hỗ trợ một lần theo Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Chính phủ, về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo quy định tại Nghị định 89/2015/NĐ-CP.
Thêm vào đó, Tổ thẩm định 48 của tỉnh thẩm định 15 trường hợp tàu cá tham gia khai thác tại các vùng biển xa đề nghị hỗ trợ nhiên liệu, bảo hiểm. Tổng số tiền được đề nghị hỗ trợ 561 triệu đồng.