T4, 01/09/2021 05:59

Giá hải sản Phú Quốc lao dốc

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Từng là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài nước, hải sản tại đảo ngọc Phú Quốc lúc nào cũng phong phú với mức giá tốt cho ngư dân. Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá nhiều loại hải sản đánh bắt và nuôi trồng trên đảo đều lao dốc.

Hải sản đánh bắt giá giảm

Những ngày gần đây, thời tiết thuận lợi, biển êm, nhiều ghe thuyền khai thác hải sản thu hoạch được sản lượng lớn tôm, mực, cá… Thế nhưng, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều nhà hàng đóng cửa, khách du lịch không đến Phú Quốc nên các loại hải sản đều giảm giá.

Theo người dân địa phương, hiện nay, giá tôm tít loại 1 tại chợ được bán với giá 280.000 đồng/kg, trong khi trước dịch có giá dao động 600.000 – 700.000 đồng/kg, cao điểm có lúc trên 1 triệu đồng/kg. Mực oxy có trứng giảm còn 120.000 – 150.000 đồng/kg, trong khi trước dịch dao động 350.000 – 400.000 đồng/kg. Ghẹ giảm xuống 120.000 – 150.000 đồng/kg, mức trước dịch dao động 250.000 – 300.000 đồng/kg. Ốc voi chỉ còn 90.000 đồng/kg, trong khi trước dịch có giá 120.000 – 150.000 đồng/kg. Cá mú giảm xuống còn 110.000 đồng/kg, trước dịch có giá không dưới 200.000 đồng/kg.

Ảnh minh họa

Hải sản nuôi tồn đọng nhiều

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tổng sản lượng thủy sản nuôi của Phú Quốc đang tồn đọng trên 1.300 tấn. Trong đó, cá bớp và cá mú tồn khoảng 300 tấn, giá dao động 120.000 – 140.000 đồng/kg; tôm các loại bình quân 120.000 đồng/kg, mực 70.000 – 230.000 đồng/kg và thủy sản khác giá từ 30.000 – 250.000 đồng/kg.

Một số mặt hàng thủy sản nuôi như tôm càng xanh, cua biển, cá bớp, cá mú, sò huyết giá mua tại ao giảm nhưng vẫn chưa kết nối tiêu thụ được số lượng lớn do các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các nhà hàng, quán ăn, thương nhân, thương lái… tạm dừng hoạt động. Người dân phải neo lại ao nuôi làm phát sinh chi phí, hao hụt nhiều do tới kỳ xuất bán chưa thu hoạch được.

Về hoạt động khai thác thủy sản, các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn, phải hoạt động cầm chừng chờ dịch bệnh ổn định trở lại. Mặt khác, giá nguyên liệu cho chuyến đi biển cũng tăng như, dầu, nhớt và nước đá… là rào cản lớn cho ngư dân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Kiên Giang tiếp tục duy trì tổ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản; phản ánh, phối hợp tháo gỡ khó khăn lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp, thu mua, thu hoạch nông sản, thủy sản. 

Minh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!