Cá tra nguyên liệu có quy định giá sàn để người nuôi có lợi nhuận tối thiểu, đảm bảo cho ngành sản xuất kinh doanh cá tra phát triển ổn định. Đó là mong muốn của nhiều người, được nêu và bàn mấy năm nay, nhưng chưa biết bao giờ thành hiện thực.
Một niềm mong ước tốt đẹp chỉ trở thành hiện thực khi có các giải pháp cụ thể, thực tế. Giá sàn cá tra nguyên liệu, đáng tiếc cho đến bây giờ, dẫu đã nhiều đề xuất nhưng chưa thấy cơ sở thực tiễn.
Trước tiên, cơ quan nào có khả năng định giá sàn cho cá tra nguyên liệu? Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) không có khả năng. VASEP định giá sàn xuất khẩu cá tra đông lạnh, một việc dễ hơn, vậy mà chưa xong. Hiện một số ý kiến chờ đợi sự ra đời Hiệp hội Cá tra ĐBSCL, nhưng khả năng thực tế có hơn gì VASEP, chưa nói là có thể yếu hơn?
Lại chưa có cơ quan hay tổ chức nào đưa ra được những con số thống kê chính xác về diện tích nuôi, sản lượng, chất lượng cá tra nguyên liệu. Con số hàng năm, hàng quý, chưa nói hàng tháng. Vậy căn cứ vào đâu để tính giá thành cá tra nguyên liệu, từ đó định giá sàn?
Quan trọng hơn là việc thực thi. Cứ cho là sẽ tính được giá sàn, một cơ quan nào đó sẽ ban hành giá sàn ấy, nhưng thực thi thế nào? Cơ quan nhà nước không thể ban hành giá sàn để buộc doanh nghiệp thực thi vì dễ vi phạm quy định của WTO. Còn nếu hiệp hội ban hành, công cụ nào để chế tài với hành vi không chấp hành?
Giá sàn cho cá tra nguyên liệu dẫu đã có nhiều đề xuất, nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ sở thực tiễn Ảnh: Đăng Khoa
Ở các nước phát triển, mục tiêu chung thường thông qua cơ chế hội ngành nghề để điều chỉnh. Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (cũ) Nguyễn Thị Hồng Minh nêu ví dụ ở Na Uy, doanh nghiệp muốn xuất khẩu thủy sản phải là thành viên của Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản. Tổ chức này điều phối, giám sát sản lượng, chất lượng, giá cả để bảo vệ và phát triển thương hiệu. Ở nước ta, chưa có hội nghề nghiệp nào được nhà nước ủy quyền để có những khả năng như vậy. Bàn chuyện giá sàn cá tra nguyên liệu có vẻ như đang bàn chuyện đặt cái cày trước con trâu!
Thực tế, người nuôi cá tra đang muốn gì? Ông Nguyễn Văn Cần ở thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) nuôi cá tra một năm 600 – 1.000 tấn. Ông cho biết, ông nuôi chỉ mất 6 tháng, mỗi con đạt 1 kg, vì ông nắm vững kỹ thuật, nên giá thành cá nguyên liệu 22.000 đồng/kg. Giữa tháng 7/2012, ông bán cá chỉ được 20.400 đồng/kg. Ông kể, có người mua 22.000 đồng/kg mà không dám bán vì sợ nợ tiền. Theo ông Cần, hiện chỉ dăm doanh nghiệp lớn có tiền trả ngay cho dân nên họ ép giá, để cá trong vùng nuôi của họ đem bán giá cao hơn cho những doanh nghiệp nhỏ không có tiền trả ngay cho dân. “Nếu có được giá sàn thì hay quá nhưng làm sao thực hiện? Mong ước của tôi hiện nay là ngân hàng tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp có tiền mua trực tiếp cá với dân, mới hy vọng giá cá tăng lên trên giá thành”, ông Cần nói.
Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho rằng, tâm tư của nhiều người muốn có quy định giá sàn cá tra nguyên liệu. “Vì tâm tư của nhiều người thì phải quan tâm”, bà nói “cùng nhau bàn bạc xem có làm được không? Nếu không làm được thì cũng sớm kết luận để tìm giải pháp khác hiệu quả hơn”.