(TSVN) – Khi công nghệ số lan tỏa đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, thì ngành thủy sản cũng không ngoại lệ. Ðây cũng là cơ hội giúp các hộ dân và doanh nghiệp tận dụng tiềm năng, lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam để gia tăng lợi nhuận và giá trị.
Giờ đây, nhiều nông dân của Quảng Ninh đã sử dụng thuần thục chiếc điện thoại thông minh để kết nối trực tiếp với người mua, kiểm tra vùng trồng hoặc quảng bá giới thiệu nông sản qua các sàn thương mại điện tử. Trang mạng xã hội Facebook Chả mực Bà Nụ – Đặc sản Vân Đồn của cơ sở chả mực Bà Nụ, khu 8, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) được thành lập từ năm 2015 khi xu hướng bán hàng trên mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những kênh giao dịch thương mại lớn. Ông Nguyễn Đình Tuấn, chủ cơ sở cho biết, những năm gần đây, cơ sở này tiếp tục bắt nhịp xu thế thương mại mới, tổ chức những buổi livestream bán hàng, quay video quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng này và đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Có ngày cơ sở tiêu thụ được gần 1 tấn chả mực.
XpertSea của AgTech Breakthrough là nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo được sử dụng trong nuôi tôm. Ảnh: XpertSea
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, đặc sản, ngành nông nghiệp; Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 100% thông tin, hình ảnh các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, tạo hơn 25.000 tài khoản dữ liệu số và gian hàng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sở hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code, nhằm minh bạch thông tin về nguồn gốc hàng hóa, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, việc chuyển đổi số trong ngành thủy sản còn được áp dụng ở các cảng cá, cơ quan chức năng trong việc giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, phục vụ cho công tác xuất khẩu. Tất cả các số liệu, thông tin, hồ sơ tàu cá, xử lý vi phạm đều được cập nhật lên hệ thống dữ liệu nghề cá quốc gia. Đây là một trong những yêu cầu của Đoàn thanh tra châu Âu để gỡ “thẻ vàng” IUU. Trước đây, việc ghi nhật ký thủy sản khai thác thường gặp các vấn đề như: thuyền trưởng mải đánh bắt nên quên ghi, khi rảnh viết lại thì ghi không chính xác thời gian, địa điểm thả lưới, thu lưới hay chữ viết xấu, thiếu thông tin các loài hải sản. Hiện nay, tôi triển khai ghi nhật ký điện tử nên đã giải quyết hết các vấn đề này, bảo đảm độ chính xác và minh bạch, nhanh gọn hơn.
Ứng dụng camera siêu phổ để kiểm soát chất lượng thủy sản thành phẩm. Ảnh: Aquaculture
Ông Lê Văn Hân, cán bộ Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hệ thống VNFishbase là cơ sở dữ liệu trực tuyến và đồng bộ cho quản lý thông tin về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, hạn ngạch khai thác thủy sản, giấy phép khai thác thủy sản; dữ liệu về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; dữ liệu về nhật ký, báo cáo khai thác; xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác… Đây là cơ sở dữ liệu khá toàn diện và trở thành công cụ hữu ích trong quản lý nghề cá, năng lực khai thác hải sản. Mỗi khi tàu cập cảng, ngư dân làm thủ tục chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, chỉ cần nhập số hiệu tàu cá lên hệ thống VNFishbase là biết được hành trình của tàu cá khai thác trên biển, để làm căn cứ xác nhận nguồn gốc thủy sản. Thông qua hệ thống này nhằm mục tiêu giám sát, quản lý số hóa 100% các thông tin hoạt động của tàu cá từ khi xuất cảng cá đi khai thác, cập cảng bốc dỡ sản phẩm, tới đăng kiểm cũng như hệ thống dữ liệu khai thác, mua bán của ngư dân. Việc ứng dụng hệ thống VNFishbase còn giúp cho người dân thuận tiện trong việc theo dõi thông tin, tiết kiệm chi phí trong hoạt động khai thác hải sản.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số cho doanh nghiệp chính là cách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển của doanh nghiệp phù hợp với xu thế vận động mới, bối cảnh và tình hình mới. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chia sẻ tại Hội nghị “Đối tác thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam 2023” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, thời gian qua, chuyển đổi số cho doanh nghiệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, đó là “lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số”.
Phát biểu tại Ngày chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị” diễn ra sáng nay tại Hà Nội; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Công ty đã áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động trong nội bộ và sản xuất, chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, trong các năm 2020 – 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, không thể gặp mặt trực tiếp, công ty vẫn có thể cung cấp số liệu, thông tin hình ảnh, chứng nhận, chứng chỉ về ISO, môi trường, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế… cho các đối tác nước ngoài và giao dịch xuất khẩu qua mạng, ký hợp đồng thương mại điện tử. Nhờ đó, công ty giảm chi phí, đảm bảo doanh thu trong 2 năm nay, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận ổn định cho người lao động. Công ty tạo thành thói quen họp online, báo cáo online trong nội bộ, các cơ quan chức năng và với cả các đối tác nước ngoài. Trong hoạt động xuẩt khẩu, Công ty tăng cường tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và thế giới, giao dịch điện tử. Trước đây, doanh nghiệp phải qua gặp mặt trực tiếp các đối tác thì nay phần lớn có thể thực hiện giao dịch qua mạng, giảm nhiều chi phí đi lại, ăn ở, ông Dũng cho biết thêm.
Hải Lý
>> Cục Thủy sản đã ban hành nhiều công văn yêu cầu các tỉnh, thành có nghề cá đẩy nhanh chuyển đổi số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ưu thế của chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến là tiết kiệm thời gian, chi phí, là bước đi thiết yếu nhằm kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về nghề cá.