Gia tăng giá trị từ công nghệ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Giá trị gia tăng của sản phẩm tôm hùm ở tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung không chỉ dựa vào diện tích nuôi, năng suất, sản lượng mà phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng chế biến để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khi các vấn đề khoa học và công nghệ được thực hiện một cách đồng bộ theo chuỗi sẽ tạo ra được giá trị cao hơn từ sản phẩm tôm hùm. Cùng Thủy sản Việt Nam lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học xung quanh vấn đề này.

Ông Dương Bình Phú, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên

Nghiên cứu phát triển công nghệ để nghề tôm hùm vững mạnh hơn

Để nâng cao giá trị cũng như có được môi trường sản xuất bền vững tôm hùm để thực sự được xem là sản phẩm chủ lực của địa phương, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, còn rất nhiều vấn đề cần được xem xét giải quyết bài toán ở hầu hết tất cả các khâu từ quy hoạch, quản lý, tổ chức sản xuất, cung ứng giống, nuôi trồng, chế biến cũng như tiêu thụ, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm tôm hùm thành sản phẩm chủ lực là rất cần thiết. Phát triển sản phẩm tôm hùm có nhiều vấn đề đặt ra để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Cụ thể là vấn đề quy hoạch, giống nuôi, thu hoạch, bảo quản và chế biến... Các nội dung này đã được UBND tỉnh Phú Yên quan tâm, tháo gỡ nhưng vẫn đang mang tính vụ việc và ngắn hạn. Cùng với đó, yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới cũng như biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp khiến cho nghề nuôi tôm hùm hiện nay bộc lộ nhiều khó khăn, lạc hậu, đòi hỏi cần phải đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ để đảm bảo nghề nuôi tôm hùm tỉnh nhà đứng vững trên thị trường.

TS Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu NTTS III

Hai công nghệ tân tiến trong nuôi tôm hùm

Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên, tỉnh có thể ứng dụng hai công nghệ nuôi sau đây. Công nghệ nuôi trên bờ: Viện Nghiên cứu NTTS III đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi tôm hùm bông trong hệ thống bể đạt năng suất 5 kg/m2”, công nghệ này đã chuyển giao thành công cho Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Công nghệ nuôi này tuy khá cao (tối thiểu 1 tỷ đồng cho một trại với công suất 1 tấn tôm thương phẩm/vụ 8 - 14 tháng), song hầu như sẽ khắc phục được các yếu tố rủi ro, nhất là chế độ cho ăn và kiểm soát dịch bệnh. Công nghệ nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE theo kiểu Na Uy: Viện đã thực hiện thành công đề tài nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE tại Thanh Hóa. Lồng HDPE có thể sử dụng nuôi tôm hùm ở các vùng mở, vùng nước sâu xa bờ, lồng HDPE có khả năng chống chịu bão rất tốt, tôm nuôi sinh trưởng nhanh. Việc nghiên cứu các vùng xa bờ để phát triển nghề nuôi tôm hùm là rất cần thiết ở Phú Yên và cần ứng dụng công nghệ nuôi lồng kiểu Na Uy.

Đối với thức ăn tươi sống, cần có biện pháp giám sát và quản lý đầu vào nguồn thức ăn này. Viện tiếp tục hoàn thiện các nghiên cứu về sản xuất thức ăn công nghiệp để phục vụ nuôi tôm hùm. Phú Yên cần phải đánh giá sức tải môi trường, trên cơ sở phân bổ số lượng lồng nuôi phù hợp cho từng vùng cụ thể. Mật độ lồng nuôi theo quy định là 30 - 60 lồng/ha, khoảng cách giữa các cụm của các hộ nuôi trung bình 100 m. Theo quy hoạch của Phú Yên, tổng diện tích nuôi tôm hùm là 1.650 ha, số lồng nuôi theo kiểu truyền thống có thể 10.000 lồng, mỗi hộ trung bình 10 lồng là phù hợp. Nếu nuôi bằng lồng HDPE thì khoảng 2.000 lồng (2.000 lồng HDPE tương đương 30.000 lồng gỗ truyền thống). Ngoài ra, địa phương cũng nên hình thành các HTX nuôi và chế biến tôm hùm, xây dựng thương hiệu tôm hùm để nâng cao giá trị gia tăng và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm tôm hùm theo đường chính ngạch. Phú Yên nên xây dựng chương trình giám sát, quản lý chất lượng tôm hùm theo chuỗi sản phẩm, triển khai các mô hình nuôi tôm hùm theo VietGAP để bảo vệ môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.

TS Mai Duy Minh, Viện Nghiên cứu NTTS III

Tiếp tục nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho tôm hùm nuôi

Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu khá nhiều về sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm nuôi, tuy nhiên có nghiên cứu thành công và cũng có nghiên cứu chưa đáp ứng như mong muốn. Ở Việt Nam, các nhà khoa học của Trường Đại học Nha Trang và Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho tôm hùm và ghi nhận đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng thức ăn này chưa được sử dụng rộng rãi trong nuôi tôm hùm lồng. Từ năm 2020 đến nay, nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu NTTS III và Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã nghiên cứu, sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm xanh và tôm hùm bông trong bể tái sử dụng nước bằng hệ thống lọc tuần hoàn (RAS). Nuôi tôm hùm trong bể ở Khánh Hòa và Phú Yên bằng thức ăn công nghiệp đã đem lại kết quả tích cực về tăng trưởng, tỷ lệ sống và chất lượng sản phẩm (màu sắc, chất lượng thịt). Hiện nhóm tác giả đang đánh giá lại về hiệu quả kinh tế của mô hình. Hiện nay, nuôi thương phẩm trong RAS, đang áp dụng 50% thức ăn viên công nghiệp và 50% thức ăn tươi cho tôm hùm bông, còn tôm hùm xanh có thể áp dụng 100% thức ăn viên đến cỡ 0,25 kg/con. Ương tôm hùm bông giống bằng thức ăn công nghiệp đạt tỷ lệ sống cao, nhưng tăng trưởng chậm. Nhóm nghiên cứu chưa thử nghiệm thức ăn công nghiệp dạng viên trong nuôi tôm hùm lồng biển.

TS Lê Văn Chí, Viện Nghiên cứu NTTS III

Cần thêm thử nghiệm để sản xuất nhân tạo giống tôm hùm

Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm đã được các nhà khoa học trên thế giới thực hiện từ hơn 100 năm qua. Tuy nhiên, kết quả ương nuôi vẫn còn hạn chế và chưa thành công đối với một số loài tôm hùm trong họ Panulirus. Ở Việt Nam, chỉ có hai nghiên cứu liên quan đến sản xuất giống tôm hùm được thực hiện trong khoảng 25 năm qua. Nhìn chung, các nghiên cứu này mang tính chất thăm dò và kết quả đạt được còn rất hạn chế.

Gần đây, nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông Panulirus ornatus được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Nghiên cứu NTTS III thực hiện từ năm 2019 - 2023. Kết quả nghiên cứu đến nay tương đối khả quan. Ấu trùng tôm hùm bông được lưu giữ hơn 6 tháng và tạo được một số ấu trùng phyllosoma 10. Tuy nhiên, cần thêm một số thử nghiệm để có thể thành công trong việc nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm.

Ngọc Chung

Thực hiện

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!