(TSVN) – Nhận thấy tiềm năng và lợi thế từ nuôi thủy sản dưới tán rừng, thời gian qua, nhiều địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất mô hình này để tạo đầu ra ổn định; hỗ trợ người nuôi tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất…
Là địa phương có diện tích nuôi thủy sản (tôm, cua…) dưới tán rừng nhiều nhất so với các địa phương khác của tỉnh Trà Vinh, huyện Duyên Hải hiện có trên 8.000 ha NTTS theo hình thức này, tập trung ở các xã Đông Hải, Long Vĩnh, Long Khánh…
Nuôi thủy sản dưới tán rừng là phương thức hướng đến sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, sẽ góp phần tạo giá trị gia tăng thu nhập cho người nuôi thủy sản thông qua việc bán chứng chỉ carbon. Bởi, với diện tích rừng hơn 5.000 ha, trong đó, diện tích rừng phòng hộ trên 2.400 ha, còn lại là rừng sản xuất (chủ yếu kết hợp nuôi, khai thác thủy sản), huyện Duyên Hải là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi hướng đến mô hình nuôi gắn với tín chỉ carbon. Theo ghi nhận của địa phương, việc hình thành mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, mà nông dân áp dụng nuôi tôm, cua biển thả lan hoặc kết hợp khai thác nguồn thủy sản tự nhiên đang mang lại hiệu quả cao, trên 80% hộ nuôi thành công.
Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng mở ra hướng phát triển bền vững và gia tăng lợi nhuận cho người nuôi tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL; ảnh: Vân Du
Xã Đông Hải là vùng có phong trào nuôi thủy sản phát triển khá mạnh tại huyện Duyên Hải; với diện tích hơn 1.500 ha nuôi tôm quảng canh kết hợp với rừng, tập trung ở các ấp Hồ Thùng, Phước Thiện, Động Cao… Ông Nguyễn Chúc Linh, ấp Phước Thiện, xã Đông Hải cho biết, gia đình có 4 ha diện tích nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh. Hàng năm, thả nuôi kết hợp trong vuông khoảng 40.000 – 45.000 con tôm và 5.000 – 10.000 con cua giống; lợi nhuận trên 120 triệu đồng/năm từ nuôi và từ con cua giống khoảng 20 triệu đồng. Qua thực tế sản xuất cho thấy, tỷ lệ nuôi thủy sản theo hướng kết hợp dưới tán rừng, thường đạt trên 80% hiệu quả so với nuôi thủy sản chuyên canh.
Theo ông Linh, trong ao nuôi thủy sản không có cây rừng, nhiệt độ quá cao làm cho tôm, cua dễ sốc nhiệt và chậm lớn. Từ năm 2011, gia đình trồng thêm cây rừng (đước) với diện tích 0,7 ha, theo hình thức trồng thưa, nhằm tạo bóng mát cho tôm, cua trú ẩn; khi có cây rừng trong ao, tình hình nuôi thủy sản tương đối thành công, ít rủi ro so với để đất trống trong ao nuôi. Nếu mô hình rừng – thủy sản được phát huy gắn với giảm phát thải khí và kết nối theo hình thức tín chỉ carbon, người nuôi rất phấn khởi và mong muốn huyện, tỉnh triển khai quy hoạch, xây dựng mô hình điểm.
Nuôi tôm kết hợp trồng rừng, mô hình sinh kế chứng minh được tính bền vững cao nhiều năm qua cũng được người dân ở các xã đảo Đông Hải, Long Vĩnh, Long Khánh và thị trấn Long Thành của huyện Duyên Hải phát triển. Gia đình ông Huỳnh Công Lý (Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng tôm – rừng ấp La Ghi, xã Long Vĩnh) bắt đầu nuôi tôm sú và cua biển dưới tán rừng từ năm 2006 trên diện tích 4,5 ha; trong đó, khoảng 1,2 ha là diện tích trồng rừng, còn lại là mặt nước. Theo tính toán của ông Lý, mỗi năm ông thu hoạch được khoảng 1 tấn cua biển và 700 – 800 kg tôm sú. Với giá bán bình quân 250.000 đồng/kg cua, loại 2 con/kg và 300.000 đồng/kg tôm, loại 18 con/kg (giá bán luôn cao hơn 40.000 – 50.000 đồng/kg so với nuôi tôm sú thâm canh), gia đình ông có doanh thu khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu lãi 200 triệu đồng.
Ông Trương Văn Huy, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải cho biết, nuôi tôm, cua dưới tán rừng là mô hình nuôi thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, rất phù hợp với điều kiện sản xuất quy mô nông hộ trên địa bàn huyện Duyên Hải. Mô hình đã tạo sinh kế cho nông hộ ở khu vực 4 xã đảo ổn định, thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với các xã còn lại của huyện. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người 4 xã này đều đạt trên 68 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 31 triệu đồng so với năm 2015 và cao hơn từ 8 – 10 triệu đồng/người/năm so với các xã khác của huyện.
Nhằm khuyến khích việc trồng và bảo vệ rừng, UBND tỉnh Kiên Giang đã cho phép người dân được nhận giao khoán đất rừng phòng hộ để trồng 70% diện tích cây rừng và khai thác 30% diện tích mặt nước để nuôi thủy sản và các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Qua đó, đã giúp cho hàng nghìn hộ dân các ven biển của tỉnh vươn lên thoát nghèo.
Với diện tích rừng phòng hộ khoảng 6.500 ha, thời gian qua huyện Hòn Đất đã phát triển mạnh các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng; tập trung tại xã Thổ Sơn, Lình Huỳnh, Bình Sơn với các loài như tôm sú, TTCT, cua biển, sò huyết và các loài cá. Các loài thủy sản được nuôi dưới tán rừng phòng hộ theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng thức ăn và thuốc hóa học nên chất lượng thịt ngon hơn so với các mô hình nuôi theo hình thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Hướng sắp tới, huyện phối hợp với các ngành liên quan, doanh nghiệp liên kết sản xuất nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP để nâng cao giá trị các loài vật nuôi và tăng thu nhập cho nông dân.
Theo ghi nhận, rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn huyện An Minh và An Biên có chiều dài 60 km, với diện tích trên 4.000 ha có điều kiện tự nhiên thích hợp nuôi các loài thủy sản như: tôm sú, TTCT, cua, cá biển và nuôi sò huyết. Cùng với các mô hình nuôi thủy sản truyền thống, khoảng 5 năm nay nhiều hộ nhận khoán đất rừng đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi sò huyết mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 – 3 lần so với trước đây. Huyện An Biên hiện có hơn 5.000 ha nuôi sò huyết, bao gồm cả diện tích trong rừng phòng hộ ven biển. Năm 2023, sản lượng thủy sản ở khu vực rừng phòng hộ hơn 50.000 tấn, sò huyết trên 16.000 tấn.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang chia sẻ, để phát triển bền vững mô hình thủy sản dưới tán rừng, tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất để tạo đầu ra ổn định; quan tâm đầu tư, triển khai những chương trình, dự án hỗ trợ người dân tham gia, tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất và nuôi trồng thủy sản, kết hợp phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng. Cùng đó, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt quan trắc môi trường, kiểm tra chất lượng nguồn nước, con giống đảm bảo cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản của người dân.
Vân Anh
(Tổng hợp)
Đến nay, huyện Duyên Hải có 2.065 hộ dân nuôi tôm sú kết hợp cua biển dưới tán rừng, với diện tích 4.432 ha, tăng 846 ha so với năm 2015; trong đó, xã Long Vĩnh có 450 hộ nuôi diện tích gần 1.500 ha, xã Đông Hải có 900 hộ nuôi 1.300 ha, xã Long Khánh có 633 hộ nuôi trên diện tích 1.508 ha và thị trấn Long Thành có 82 hộ nuôi 127 ha.