(TSVN) – Đó là bức tranh chung của ngành tôm trên toàn thế giới những tháng đầu năm 2020. Nguyên nhân khiến giá tôm giảm, thậm chí giảm xuống mức chưa từng thấy trong thập kỷ qua là do đại dịch COVID-19.
Sản lượng tôm ở châu Á năm nay đã bị trì hoãn 3 tháng vì đại dịch COVID-19. Ở Ấn Độ, việc thả tôm giống để bắt đầu vụ nuôi thường diễn ra vào tháng 3, 4 nhưng đã bị hoãn lại đến tháng 5, 6 do lệnh hạn chế vì COVID-19. Indonesia thu hoạch vụ mùa vào giữa tháng 5 với sản lượng tương đối tốt, điều này phản ánh qua xuất khẩu. Nguồn cung hiện tại thấp do đại dịch bùng phát và thời tiết khô hạn theo mùa dự kiến cho đến tháng 8. Tại Việt Nam, lịch trình sản xuất năm 2020 có vẻ ổn định. Trong khi đó, sản lượng tôm ở Thái Lan vẫn ở mức thấp do nông dân giảm lượng thả tôm giống khi giá thị trường thấp.
COVID-19 cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu tôm tại Mỹ Latinh. Ecuador – quốc gia sản xuất tôm hàng đầu tại khu vực này, có mục tiêu duy trì sản lượng tôm như năm 2019, ở mức hơn 600.000 tấn. Xu hướng tăng trưởng tích cực tiếp tục ở Ecuador cho đến đầu tháng 3/2020 nhưng đã dừng lại do đợt bùng phát COVID-19 ở Guayaquil, nơi có 80% các cơ sở nuôi trồng và chế biến tôm. Mặc dù, các nhà xuất khẩu tiếp tục hoạt động gần hết công suất trong vài tuần đầu của đại dịch, lệnh giới nghiêm được áp dụng vào ngày 19/3/2020 đã khiến công nhân nghỉ việc, cũng như các hoạt động nuôi trồng và chế biến chậm lại.
Giá tôm toàn cầu giảm do ảnh hưởng của COVID-19. Đồ họa: VCG
Ngành tôm toàn cầu năm 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 từ tháng 1. Thương mại tôm quốc tế chủ yếu tăng trong quý I/2020 do các đơn đặt hàng tương đối lớn trong thời gian từ tháng 12/2019 – 2/2020. Các lô hàng này đã đến hầu hết các thị trường vào tháng 3/2020.
Ecuador trở thành nước xuất khẩu tôm hàng đầu với 56% sản lượng tôm xuất khẩu sang Trung Quốc. Xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc giảm nhẹ trong tháng 1, 2 nhưng tăng trở lại vào tháng 3. Xuất khẩu lũy kế ở thị trường Trung Quốc cao hơn 84% so cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, Ấn Độ xuất khẩu 47% tôm sang Mỹ trong cùng giai đoạn trên; Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) chiếm 17% và 14% thị phần.
EU là thị trường nhập khẩu hàng đầu trong quý I/2020. Xét về các thị trường đơn lẻ thì Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất, tiếp theo là Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Pháp. Tuy nhiên, dữ liệu sơ bộ tháng 4, 5 cho thấy, nhập khẩu giảm ở hầu hết các thị trường này, trừ Trung Quốc. Đáng chú ý, nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam tiếp tục giảm trong quý đầu tiên của năm 2020.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp tôm trên toàn thế giới, với ngành HORECA sụt giảm 80 – 90% trong nửa đầu năm 2020. Thông thường trong một năm thì lĩnh vực cung cấp thực phẩm sẽ tiêu thụ 60 – 70% lượng tôm nhập khẩu ở các thị trường phương Tây và cả ở Nhật Bản. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ đối với tôm đông lạnh đã tăng đáng kể trong giai đoạn này, đặc biệt là đối với các sản phẩm tiện lợi. Xu hướng này rất có thể tiếp tục trong những tháng tới, thậm chí nhiều năm tới.
Nhập khẩu tôm của EU chịu nhiều ảnh hưởng vì COVID-19. Khi các nhà hàng đóng cửa, nhu cầu tiêu thụ tôm chuyển sang thương mại bán lẻ nhưng vẫn ở mức độ thấp hơn so với Mỹ và Trung Quốc. Nhập khẩu tôm của EU trong quý I/2020 tăng 6,6%, do giá tôm Ecuador giảm trong tháng 2 và nhập khẩu lớn sau đó từ nguồn này vào tháng 3.
Nhập khẩu ở Tây Ban Nha tăng 9%, ở mức 33.700 tấn; trong đó 12.000 tấn đến từ Ecuador. Nhập khẩu cũng tăng ở Đan Mạch, tăng 17% lên 21.454 tấn; Đức tăng 18% lên 16.700 tấn; Italy tăng 21% lên 16.535 tấn nhưng lại giảm ở Pháp, giảm 3% xuống 24.480 tấn và ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, giảm 14,4% xuống 12.660 tấn. Nhập khẩu tôm chế biến ở EU tăng 8% lên 24.440 tấn trong giai đoạn trên. Các nhà cung cấp chính là Việt Nam, Greenland, Maroc và Na Uy. Xu hướng này vẫn tồn tại vào tháng 4/2020.
Doanh số bán tôm đã thấp hơn bình thường tại thị trường nội địa của Trung Quốc kể từ tháng 1/2020 khi việc ăn uống bên ngoài bị cấm ở hầu hết các thành phố cho đến tháng 4 do COVID-19. Trong giai đoạn này, doanh thu bán lẻ tôm đông lạnh (tôm nguyên con và bóc vỏ) tăng đối với các hoạt động mua trực tuyến. Việc cấm vận bắt đầu giảm từ tháng 5/2020. Nhập khẩu tôm của Trung Quốc chậm lại trong tháng 1, 2 nhưng tăng trở lại từ tháng 3 – 5 sau sự giảm giá của tôm Ecuador, một sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường.
Nhìn chung, doanh số bán thủy sản trực tuyến ở các đô thị Trung Quốc tốt ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, tuy nhiên, doanh số bán hàng đã tăng trưởng với việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn liên quan đến COVID-19. Nhu cầu đối với tôm sơ chế hoặc dễ chế biến (đông lạnh, bóc vỏ, làm bánh bao, tẩm bột) để nấu tại nhà tăng lên.
Tôm vẫn là lựa chọn thủy sản phổ biến nhất của người tiêu dùng Mỹ. So với các năm trước, nhu cầu tôm nói chung giảm do hạn chế kinh doanh dịch vụ ăn uống, một phân khúc thường tiêu thụ 60 – 70% tôm nhập khẩu. Sau đó, nhu cầu đối với thủy sản trên thị trường chuyển từ dịch vụ ăn uống sang lĩnh vực bán lẻ và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng (trực tuyến). Tuy nhiên, nhu cầu tôm của Mỹ chỉ giới hạn ở các siêu thị và cửa hàng tạp hóa, với việc bán hàng trực tuyến chiếm một phân khúc nhỏ hơn.
Nhìn chung, tiêu thụ tôm ở Nhật Bản năm nay thấp đáng kể trong thời gian diễn ra lễ hội mùa xuân vào tháng 4, 5 – vốn là thời điểm tiêu thụ tôm thường tăng mạnh. Nhu cầu suy yếu sau các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đối với việc ăn uống bên ngoài trong thời gian tháng 3 – 5. Lượng tiêu thụ tại nhà tăng đối với tôm sơ chế và chế biến do người dân ở trong nhà. Doanh số bán tôm tại siêu thị và trực tuyến để nấu tại nhà/đồ ăn sẵn tăng lên. Nhu cầu rất mạnh đối với các sản phẩm như tôm chiên tempura, bóc vỏ tẩm bột chiên giòn, cơm thập cẩm hải sản đông lạnh và tôm chiên sẵn trong khoảng thời gian từ tháng 4 – 5, tuy nhiên sau đó đã chậm lại trong tháng 6.
Nhập khẩu tôm tháng 1 – 3/2020 của Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Việt Nam và New Zealand thấp hơn so cùng kỳ năm 2019. Nhập khẩu tôm của Đài Loan, Australia và Malaysia tăng lên do nhu cầu Tết âm lịch vào tháng 1, 2. Các biện pháp cấm vận được áp dụng ở các nước Đông Nam Á kể từ giữa tháng 3 cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống và nhà hàng, mặc dù nhu cầu giao đồ ăn sẵn tại nhà và mua hàng tạp hóa trực tuyến đang phát triển mạnh. Tôm tươi, vốn phổ biến hơn trong các món ăn tại nhà ở Đông Nam Á, không được hưởng lợi từ sự phát triển này.
Tại Nam Á, nhập khẩu tôm tại các điểm du lịch (cụ thể là Sri Lanka, Maldives) giảm do xuất khẩu từ Ấn Độ giảm. Tuy nhiên, COVID-19 dường như đã mở ra cơ hội bán các sản phẩm tôm chế biến sẵn tại thị trường nội địa rộng lớn nhưng chưa được khai thác của Ấn Độ. Tại khu vực Trung Đông/Tây Nam Á với khu vực Bắc Phi (MENA), nhu cầu tôm giảm đáng kể sau khi các hãng hàng không quốc tế ngừng hoạt động (các chuyến bay theo lịch trình), hoạt động kinh doanh nhà hàng giảm và người nước ngoài hồi hương.
Giá xuất khẩu TTCT của Ecuador giảm 25% trong khoảng thời gian tháng 3 – 4/2020. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau khi phát hiện virus corona trong một số chuyến hàng từ Ecuador đến Trung Quốc tháng 7/2020. Giá thành và cước phí (CFR) TTCT cỡ 40 – 50 con/kg sang châu Âu được báo cáo ở mức 4 USD/kg vào 7/2020. Tuy nhiên, tại Malaysia và Singapore, giá bán lẻ TTTC tươi cùng cỡ vẫn ở mức cao 8 – 9 USD/kg do nguồn cung trong khu vực thấp.
Phương Ngọc
Theo Fao.org